Y tế - Sức khỏe
Bệnh võng mạc đái tháo đường và biến chứng đáng lo ngại
D.Ngân - 17/06/2023 11:13
Ngày 16/ 6/2203 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã phổ biến “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý Bệnh võng mạc đái tháo đường”

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới. 

Ảnh minh hoạ.

Năm 2021, theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF Diabetes Atlas), tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở người lớn đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000, từ 151 triệu người lên 537 triệu người (chiếm 10,5% dân số thế giới). 

Tại Việt Nam trong vòng 10 năm qua, bệnh đái tháo đường đã có mức gia tăng nhanh (từ 2,7% dân số năm 2002, lên 5,4% năm 2012, 7,06% năm 2021 trong độ tuổi điều tra 18-69), với gần 4,5 triệu người mắc bệnh. 

Đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. 

Người ta thấy rằng cứ 10 ca đái tháo đường thì đã có 6 ca biến chứng tại mắt, đặc biệt là bệnh võng mạc do đái tháo đường khoảng từ 20% đến 35% người mắc đái tháo đường, đây là nguyên nhân gây bệnh lý bán phần sau phổ biến nhất hiện nay.

Bệnh võng mạc đái tháo đường là biến chứng của bệnh đái tháo đường, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù lòa trên thế giới.

Bệnh diễn ra âm thầm, đa số người bệnh mắc bệnh võng mạc đái tháo đường thường không biết cho đến khi tiến triển nặng, không thể hồi phục ngay cả được điều trị.

Tổn thương võng mạc do đái tháo đường biểu hiện rất đa dạng như tăng sinh mạch máu võng mạc, phù hoàng điểm, xuất huyết, xuất tiết, bong võng mạc…

Những tổn thương này sẽ gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân, gia tăng gánh nặng kinh tế cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Hậu quả của tình trạng này là gần 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam đang có nguy cơ mất thị lực.

Với bệnh này, theo chuyên gia, việc khám sớm là cần thiết để phát hiện các tổn thương trên võng mạc và kịp thời chuyển bác sĩ chuyên khoa mắt khám và điều trị tránh nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn, mù lòa.

Bên cạnh đó, phân cấp quản lý giữa các tuyến cũng giúp thuận lợi trong việc theo dõi người bệnh bị bệnh võng mạc đái tháo đường, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế tuyến trên.

Ngoài ra, người dân còn cần kiểm soát đường huyết: Giúp duy trì đường huyết ở mức ổn định tránh gây tổn thương đến mạch máu. Thực hiện kiểm soát đường huyết bằng cách có chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất phù hợp.

Uống thuốc điều trị tiểu đường theo chỉ định của bác sĩ và tái khám thường xuyên. Kiểm tra đường huyết ghi lại lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày.

Khám mắt thường xuyên nhằm giúp phát hiện sớm những bất thường ở mắt để được điều trị sớm, mang lại kết quả cao, tránh biến chứng nguy hiểm.

Giữ huyết áp và cholesterol ở mức an toàn: ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục thường xuyên.

Không hút thuốc lá bởi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường bao gồm cả bệnh võng mạc. Chú ý đến mắt: nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt nên đến gặp bác sĩ Mắt đề được thăm khám sớm.

Tin liên quan
Tin khác