Số ca trẻ em mắc bệnh đái tháo đường tăng cao
Theo tìm hiểu từ gia đình bệnh nhân, gần đây trẻ xuất hiện các triệu chứng như mệt, khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều, gầy sút cân nên gia đình đã đưa trẻ đi khám.
Trẻ nhập viện trong tình trạng đường huyết cao 26,1 mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường, kèm dấu hiệu mất nước.
Sau khi vào viện và được làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, trẻ được điều trị tích cực, bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, tư vấn và điều chỉnh thực hiện chế độ dinh dưỡng.
Theo BS Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết, đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường tuýp 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.
Ảnh minh hoạ |
Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị "đói năng lượng" do không thể tiếp nhận được glucose. Khi lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường có thể khởi phát từ người vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là từ 10-14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường.
Nguyên nhân gây đái tháo đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy.
Một vài yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo hoặc chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng liên quan tới việc khởi phát bệnh. Một số kháng thể kháng tế bào beta của tụy cũng có thể tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân đái tháo đường type 1.
Do vậy khi thấy xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị trước đây …đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1: Đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín…) thì người bệnh phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.
Hiện tại, để điều trị đái tháo đường type 1, việc sử dụng insulin vẫn là bắt buộc. Sử dụng insulin sớm còn giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại. Kiểm soát đường huyết tốt góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng trong lâu dài.
Ngoài ra, cũng phải điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp cho từng cá thể.
Đối với người có chế độ hoạt động thể lực vừa phải nên duy trì khoảng 30-35 kalo/kg/ngày. Cân đối giữa các tỷ lệ Carbonhydrat, protid, lipid giúp kiểm soát đường huyết nhưng cũng đảm bảo về sinh hoạt làm việc cho người bệnh.
Đặc biệt ở trẻ em, ngoài kiểm soát đường huyết ra còn phải bảo đảm mục tiêu về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.
Người bệnh đái tháo đường type 1 nên theo dõi đường huyết tối thiểu 4 lần/ngày để có thể điều chỉnh liều lượng insulin dựa theo đường máu tại nhà. Với trẻ em có thể được thay đổi. Bên cạnh đó, người đái tháo đường type 1 nên thay đổi luân phiên vị trí tiêm cũng như vị trí thử đường huyết để có kết quả tốt nhất.
Lào Cai: Triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều
Trong tháng 02/2023, ngành y tế Lào Cai tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin Uốn ván -Bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 8 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện tại, chiến dịch đã được triển khai hầu hết các địa phương trong tỉnh. Để bảo an toàn, tại các điểm tiêm đều được bố trí theo lối đi một chiều, tất cả trẻ đều được khám sàng lọc và phân loại trước tiêm, trẻ có bất thường về sức khỏe như ho, sốt sẽ được hoãn tiên và tất cả trẻ sau tiêm đều được theo dõi sức khỏe 30 phút trước khi ra về) và đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Với mục tiêu ít nhất 95% trẻ 8 tuổi tại cộng đồng và trẻ đang học lớp 3 thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố được tiêm bổ sung 01 mũi vắc-xin Td, nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu và uốn ván tại các vùng nguy cơ cao.
Dự kiến trong chiến dịch tiêm lần này sẽ có 17.261 trẻ trong độ tuổi được tiêm. Trong đó thành phố Lào Cai là địa phương có số lượng trẻ tiêm đông nhất với 3.161 đối tượng, sau đó là huyện Bảo Thắng với 2.236 đối tượng.
Nghệ An: Số bệnh nhân bị đột quỵ não tăng cao
Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, số bệnh nhân tăng đột biến, tăng hơn 150% so với thường ngày. Hiện đang có 2.200 bệnh nhân điều trị tại đây, chủ yếu điều trị các bệnh đột quỵ, tim mạch, hô hấp.
Mỗi ngày có khoảng 20-25 bệnh nhân vào điều trị. Trong đó, bệnh nhân đột quỵ não cấp, cấp tính chiếm khoảng 10-15%. Trung tâm Đột quỵ có 110 bệnh nhân đang điều trị nội trú, với khoảng 40 bệnh nhân trong tình trạng nặng, phải chăm sóc cấp 1. 80% bệnh nhân bị nhồi máu não, 20% bệnh nhân còn lại bị xuất huyết não.
Phần đa các bệnh nhân bị đột quỵ đang điều trị tại đây có độ tuổi từ 65 - 80 tuổi. Cũng có 4 bệnh nhân dưới 40 tuổi… Bệnh nhân đã nằm kín tất cả giường bệnh, các bác sĩ và điều dưỡng rất vất vả để điều trị, chăm sóc.
Theo các bác sĩ, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ cao xuống thấp trong ngày là nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân đột quỵ. Khi nhiệt độ xuống khoảng 15 độ C thì nguy cơ đột quỵ tăng lên 80% so với những thời điểm nhiệt độ bình thường. Bệnh nhân thường bị đột quỵ vào thời gian đêm khuya và sáng sớm.
Ths. Bs Lê Quang Toàn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chia sẻ: Thủ phạm chính gây đột quỵ não là các bệnh nền mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh lý chuyển hoá khác.
Để dự phòng, giảm nguy cơ đột quỵ não thì người dân có các yếu tố nguy cơ là bệnh nền mãn tính nói trên cần kiểm soát yếu tố nguy cơ bằng việc sử dụng thuốc điều trị bệnh mãn tính theo đúng khuyến cáo, chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trong điều kiện thời tiết lạnh, mạch máu ngoại biên co lại, làm huyết áp tăng lên, tăng độ nhớt của máu khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn. Vậy nên, mọi người cần loại bỏ nguy cơ tiếp xúc với không khí lạnh đột ngột, nhất là thời điểm sáng sớm và buổi chiều, buổi đêm.
Mọi người cũng nên tập thể dục ở mức độ vừa phải, nên tập ở trong nhà thoáng và ấm, không nên tập ngoài trời. Khi có nhu cầu ra ngoài nhà cần mặc đủ ấm, đội mũ, đeo găng tay… Để phòng bệnh, mọi người cũng cần phải ăn uống đủ chất, tăng cường ăn thêm rau, củ, quả.
Khi thấy người thân xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc ú ớ, kích thích la hét), yếu tay, yếu chân cùng một bên, méo miệng, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức… người nhà cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để đánh giá, điều trị, chuyển tuyến điều trị kịp thời, đặc hiệu trong thời gian vàng, tránh để muộn và xảy ra hậu quả đáng tiếc, Ths. Bs Lê Quang Toàn khuyến cáo.