Y tế - Sức khỏe
Khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam chưa được chẩn đoán
D.Ngân - 23/09/2022 07:48
Hơn 5 triệu người Việt mắc bệnh đái tháo đường (còn gọi tiểu đường), chiếm 5,7% dân số, song 50% trong số họ không được chẩn đoán.

Theo GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường, Việt Nam cho biết hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, tương đương hơn 5 triệu người, trong số này khoảng 50% chưa được chẩn đoán; đặc biệt 50% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.

Hơn 5 triệu người Việt mắc bệnh đái tháo đường (còn gọi tiểu đường), chiếm 5,7% dân số, song 50% trong số họ không được chẩn đoán.

Cũng theo GS.TS. Trần Hữu Dàng, cùng với sự phát triển kinh tế thì mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Trong khi các bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang được kiểm soát dần thì thay vào đó là sự gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường. 

Ước tính, các bệnh không lây nhiễm đang chiếm 77% nguyên nhân gây tử vong hiện nay, trong đó tim mạch là nguyên nhân hàng đầu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay mỗi năm, thế giới ghi nhận 18-20 triệu người tử vong do các bệnh lý tim mạch, chiếm 31% tổng số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm.

Các bệnh tim mạch, thận và chuyển hóa không chỉ tỷ lệ lưu hành cao mà còn có mối quan hệ chặt chẽ qua lại, tạo thành vòng xoắn bệnh tật, đặt gánh nặng lớn lên hệ thống y tế.

Các chuyên gia cho rằng, những giải pháp trong công tác quản lý, điều trị đái tháo đường cho đến nay thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, bệnh nhân bỏ lỡ hoặc quên thăm khám định kỳ tại phòng khám, theo dõi các xét nghiệm cận lâm sàng, vì nhiều lý do khác nhau như thời gian, khoảng cách, hoặc thay đổi bác sĩ khám bệnh. 

Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường khó đáp ứng được chi phí điều trị cao, thiếu tương tác kịp thời với bác sĩ để được cảnh báo nguy cơ biến chứng.

Bệnh nhân phải đối mặt với những thách thức cá nhân bao gồm văn hóa, thói quen, thay đổi lối sống, thiếu sự hỗ trợ của gia đình và các vấn đề tâm lý sức khỏe, dẫn đến làm giảm chất lượng chăm sóc, quản lý và điều trị đái tháo đường.

Được biết, bệnh đái tháo đường được chia làm 4 type, gồm đái tháo đường type 1, 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường type khác.

Hiện nay, dù nhiều người mắc bệnh đã được lập sổ quản lý ngoại trú, nhưng do người bệnh cao tuổi, mắc nhiều bệnh phối hợp, ở một mình, điều kiện chăm sóc không được tốt và sa sút trí tuệ dẫn đến việc kiểm soát bệnh rất khó khăn.

Để khắc phục và giảm thiểu các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ quản lý ngoại trú về thuốc, chế độ ăn, chế độ luyện tập.

Đối với người dân chưa được chẩn đoán đái tháo đường (nhất là người trên 40 tuổi, những người tiền sử đái tháo đường thai kỳ, trong gia đình có người thân mắc bệnh) nên tầm soát định kỳ.

Đái tháo đường là bệnh mạn tính và gây nhiều biến chứng, do đó người bệnh cần có thái độ bình tĩnh để xắp xếp lại sinh hoạt, chế độ ăn uống và cách sống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh.

Bệnh nhân bị đái tháo đường nên sống năng động hơn, tăng vận động, tập thể dục, chơi các môn thể thao phù hợp với sức khoẻ.

Bản chất của bệnh đái tháo đường là rối loạn chuyển hoá, do đó người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý với tỷ lệ các chất dinh dưỡng đúng như phác đồ điều trị của bác sĩ. Kiêng ăn đường tự nhiên, các thức ăn quá ngọt. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia và các đồ uống có cồn.

Cũng về bệnh đái tháo đường giới chuyên gia cảnh báo, sau đại dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường tăng trở lại, vừa là bệnh khởi phát mới, hoặc bệnh trong giai đoạn giãn cách xã hội không tiếp cận được y tế. 

Đa số trường hợp loét bàn chân đái tháo đường nhập viện ở mức độ nặng, với tình trạng nhiễm trùng hoại tử tại chỗ, có nguy cơ lan rộng nhiễm trùng toàn thân, đe dọa đến tính mạng. Hầu hết đều phải phẫu thuật cắt lọc cấp cứu và dẫn lưu, giải áp ổ nhiễm trùng tại chỗ, tránh vào nhiễm trùng huyết.

Thời gian điều trị tùy vào mức độ bệnh, nhưng thường là rất lâu, có thể từ vài tuần đến vài tháng, gây tốn kém và di chứng để lại ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nghiêm trọng, có thể mất ngón chân, một phần hoặc toàn bộ bàn chân.

Vì vậy, việc phòng ngừa và phát hiện các vết loét ở giai đoạn sớm rất quan trọng, vì khi nhiễm trùng hoại tử ở mức độ nặng thì di chứng để lại cũng vì vậy mà rất nặng nề.

Cụ thể, khoảng 50% số người mắc đái tháo đường có tổn thương thần kinh. Tổn thương này gặp ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, phần lớn xuất hiện ở đôi bàn chân.

Vì vậy, khi có vết thương ở vùng bàn chân, bệnh nhân thường giảm hoặc không có cảm giác, do đó tự đánh giá sai về tình trạng vết thương dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Có những bệnh nhân đái tháo đường biến chứng thần kinh, mạch máu nuôi bàn chân còn tốt nhưng vì cảm giác tê nên người bệnh đã tự đắp thuốc không rõ loại, hoặc ngâm chân lâu trong nước nóng khiến bàn chân bị bỏng hoặc nhiễm trùng nặng nề, hoại tử lan rộng, dẫn đến kết cục buộc phải đoạn chi.

Để chăm sóc tốt bàn chân đái tháo đường ở nhà, chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện sớm các vết nứt, sưng, đỏ... Rửa chân bằng nước ấm.

Người bệnh cần cắt móng chân cẩn thận, không cắt quá ngắn. Không đi chân đất, nên mang vớ sạch, mềm. Mang giày ôm vừa chân, chất liệu êm, kiểm tra giày trước khi xỏ chân. Giữ chân ấm áp và khô ráo, tuy nhiên nếu da quá khô có thể thoa dưỡng ẩm, đặc biệt chú ý vùng gót chân, nhưng không thoa vào giữa các ngón.

Tuyệt đối không tự ý cắt, lọc bỏ các đốm đen hoại tử nếu chưa được bác sĩ hướng dẫn. Không ngâm nước nóng, không tự điều trị, không tự thoa thuốc lên bàn chân.

Người bệnh phải tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như tổn thương da, hay có cục sần ở bàn chân, nhiễm trùng hoặc đốm đen hoại tử... để tránh biến chứng nặng hơn.

Bệnh nhân cần đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng vùng da ở bàn chân thay đổi màu sắc, sưng nề, thay đổi nhiệt độ, có nốt chai sần vùng bàn chân; cảm giác đau hoặc châm chích ở bàn chân, mắt cá chân; móng quặm, nhiễm nấm vùng bàn chân hoặc khô, nứt nẻ da bàn chân; có các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, vết thương chảy dịch.

Tin liên quan
Tin khác