Chủ tọa phiên tòa đã thẩm vấn bị cáo Đinh La Thăng về việc quyết định đầu tư góp vốn vào Oceanbank trong khi đã có những báo cáo đánh giá tình hình Oceanbank không quá tốt.
Theo cáo trạng, ngày 18/9/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN ký văn bản số 140B có báo cáo đánh giá sơ bộ Oceanbank: “nhìn tổng thể đến 31/3/2008, Ngân hàng TMCP Đại Dương là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp;…trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Oceanbank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng…Ngân hàng TMCP Đại Dương thuộc nhóm TCTD có xếp hạng trung bình khá trong số các ngân hàng thương mại cổ phần”.
. |
Ngày 29/9/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự ký tiếp văn bản số 146 nêu rõ: Tính thanh khoản của Ngân hàng hiện nay kém và rất nhạy cảm với bất cứ một biến động nào của thị trường…; Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Oceanbank giảm từ 30,6 % năm 2006; 19,5 % năm 2007, xuống còn 18,6 % cho những tháng đầu năm 2008.
Giải trình trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định dù OceanBank có quy mô nhỏ nhưng khi tăng vốn lên thì quy mô hoạt động tăng lên, tính thanh khoản tăng lên...Năm 2009, PVN được chia cổ tức trên 10%, 2010 đến 16%...
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, OceanBank là ngân hàng có chất lượng tín dụng trung bình khá. Việc PVN góp vốn vào ngân hàng không phải là chủ động đầu tư.
Ông Thăng so sánh việc góp vốn với Oceanbank, giống như việc PVN gả một cô gái xinh đẹp cho một chàng trai khác, nhưng đây lại là cô gái có chồng rồi. “Có chồng rồi thì tiêu chuẩn để gả phải khác”- ông Thăng nói và cho rằng “nếu là NH Ngoại thương hay Ngân hàng đầu tư phát triển thì người ta chả cho” nên phải tính toán khả năng phát triển của OceanBank. Ông Thăng cho biết, OceanBank phải chấp nhận mấy chục con người, toàn là lãnh đạo cả. “Anh Sơn hay các anh khác đều là TGĐ các đơn vị khác rồi, nếu không thành lập NH nữa thì bố trí các anh ở đâu? Rồi bao nhiêu tiền đầu tư vào phần mềm, xây dựng cơ sở vật chất... Trong bối cảnh của 2008 như vậy chứ không phải là diễn ra bình thường”- ông Thăng nói.
Bị cáo Đinh La Thăng khai việc góp vốn có cơ sở, từ chủ trương xây dựng thí điểm thành lập các Tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, PVN được thành lập ngân hàng với trên 50% vốn điều lệ. Do Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, PVN phải dừng thành lập NH Hồng Việt. Để giải quyết hậu quả đó, PVN đã xin góp vốn vào các ngân hàng khác.