Trong đơn kháng cáo, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, toàn diện khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo. Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến việc HĐXX đánh giá về vai trò, trách nhiệm của bị cáo chưa phù hợp, chưa công bằng, quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc.
Bị cáo Đinh La Thăng. |
Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành tâm nhìn nhận trách nhiệm của mình với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN, nhưng chưa được HĐXX đánh giá và xem xét một cách thỏa đáng.
Trên cơ sở đó, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại tội danh, hình phạt và mức liên đới bồi thường đối với bị cáo theo trình tự phúc thẩm cho phù hợp với bản chất vụ án, vai trò trách nhiệm của bị cáo, thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Trong khi đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh kháng cáo kêu oan. Bị cáo cho rằng, bị cáo không tham gia vào các hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọn và Tham ô tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại 2 tội danh trên và trách nhiệm dân sự.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm tuyên ngày 22/1/2018, tòa cấp sơ thẩm đưa ra 4 luận điểm xác định hành vi của bị cáo Đinh La Thăng.
Theo đó, HĐXX cho rằng, Nghị quyết HĐTV PVN đã nêu rõ muốn thực hiện dự án, PVC phải thành lập liên danh tổng thầu song bị cáo Thăng vẫn chỉ định PVC là nhà thầu duy nhất. Bị cáo cũng thừa nhận do sức ép về tiến độ nên có sai phạm về quy trình chỉ định PVC không thông qua HĐTV.
Khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ… nhưng do nông nóng và sức ép công việc, bị cáo chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC trái quy định.
Mặt khác, bị cáo thừa nhận chỉ đạo tạm ứng vốn 10% cho PVC trong khi hợp đồng EPC thiếu nhiều nội dung quan trọng, không có cơ sở tạm ứng.
Cấp sơ thẩm cũng nhận định, quyết định chỉ định thầu và chuyển tiền một cách quyết liệt và vội vã cho PVC – doanh nghiệp không đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn là trái pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.
Do đó, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Đồng thời tuyên buộc bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền 30 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC) được xác định giữ vai trò chính trong việc ký hợp đồng số 33 trái quy định, xin cấp tạm ứng chưa đủ điều kiện. Ngoài ra, bị cáo đề ra chủ trương chuyển tiền từ Ban quản lý dự án Vũng Áng – Quảng Trạch về Tổng công ty PVC và chiếm hưởng 4 tỷ đồng.
TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là tù chung thân. Bị cáo cũng phải liên đới bồi thường số tiền 30 tỷ đồng.