Y tế - Sức khỏe
Bị cắt bỏ phổi vì nghiện thuốc lá
D.Ngân - 11/11/2023 22:41
Theo thống kê của ngành y tế, thuốc lá là nguyên nhân chính, chiếm tới trên 90% các ca ung thư phổi, trên 30% các loại ung thư khác.

Theo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nam bệnh nhân N.V.K (SN 1957, quận  Long Biên, Hà Nội) làm nghề xây dựng, hút thuốc lá, thuốc lào trên 40 năm.

Ung thư phổi là một trong những bệnh lý có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới và nguyên nhân chủ yếu do hút thuốc lá. 

Ba tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện ho khạc đờm trắng có lẫn nâu, có cảm giác sốt, không đau ngực, không khó thở, sau tự mua thuốc uống nhưng không đỡ.

Bệnh nhân đi khám phát hiện u phổi trái và được nhập viện điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Các bác sĩ cho biết, khối u chiếm gần hết nhu mô phổi bên trái của người bệnh, vì vậy, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái kèm nạo vét hạch cho bệnh nhân. 

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy không biệt hóa. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân tự ngồi dậy, tự thở không cần oxy hỗ trợ. 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, mổ cắt cả phổi điều trị ung thư là một phẫu thuật lớn, nặng nề cả về mặt ngoại khoa và gây mê hồi sức. Đây cũng là ca cắt cả phổi đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Ung thư phổi là một trong những bệnh lý có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới và nguyên nhân chủ yếu do hút thuốc lá. 

Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới.

Theo thống kê ung thư toàn cầu Globocan, năm 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới, chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.

Theo thống kê của ngành y tế, thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi, trên 30% gây ra các loại ung thư khác.

Đáng chú ý, trong thực tế điều trị, các bác sĩ ghi nhận tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn, đặc biệt tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng có dấu hiệu nhiều lên, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. 

Nếu như trước đây, các bác sĩ chỉ gặp bệnh nhân ung thư phổi trên 50 tuổi, là nam giới, thì ngày nay, đã có bệnh nhân dưới 40 tuổi, là nữ giới.

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư phổi. Đặc biệt, các tiến bộ này đã đi sâu đến sinh học phân tử, công nghệ gen, tế bào... để từ đó có phương pháp điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch hiệu quả, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng điều trị của người bệnh.

Theo các chuyên gia, để phòng ung thư phổi, cần hạn chế các chất, tác nhân gây bệnh ung thư như thuốc lá, thực phẩm, hóa chất độc hại... Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ...

Về dấu hiệu nhận biết ung thư phổi, người bị ung thư phổi thường có các dấu hiệu báo động đỏ như ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh, có bệnh nhân giảm đến 10kg trong 3 tháng.

Tuy nhiên, ho là dấu hiệu gặp trong ung thư phổi nhưng ho cũng biểu hiện rất nhiều bệnh lý khác. Nên nếu xuất hiện ho nhiều, ho ra máu, đau đầu, đau ngực, thỉnh thoảng bị co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh cần đi khám sức khỏe sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa ung thư nói chung, các chuyên gia khuyên người dân cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động, có chế độ ăn cân đối, tránh xa những thực phẩm có ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. 

Người dân cần tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, mọi người cần đi khám sớm.

Tin liên quan
Tin khác