Y tế - Sức khỏe
Cha mẹ cảnh giác với ung thư xương ở trẻ em
D.Ngân - 17/10/2023 09:07
Ung thư xương ở lứa tuổi thanh thiếu niên gần đây được phát hiện nhiều hơn và ở lứa tuổi này mức độ ác tính cao hơn.

Nhiều cha mẹ thường bỏ qua các dấu hiệu đau nhức xương, gãy xương khi ngã nhẹ mà không biết đây là một trong những dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em.

Ung thư xương ở lứa tuổi thanh thiếu niên gần đây được phát hiện nhiều hơn và ở lứa tuổi này mức độ ác tính cao hơn.

Ung thư xương là căn bệnh nguy hiểm, lo ngại hơn, bệnh thường khó phát hiện trong giai đoạn sớm, nên hầu như khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn, có tới 10-15% đã di căn.

Nếu như trước đây, điều trị ung thư xương thường phải cắt cụt chi, thì ngày nay, có tới 70-80% trường hợp giữ và bảo tồn được chi thể.

Theo BSCKII Hoàng Tuấn Anh, Trưởng Khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện K, ung thư xương thường xảy ra ở trẻ em 10-14 tuổi (chiếm tới 80%).

Với triệu chứng ban đầu đau xương, thỉnh thoảng đau nên nhiều cha mẹ tưởng con đến tuổi dậy thì thiếu caxi, hoặc ở trẻ em hay chơi đá bóng và các môn thể thao nên dễ nhầm lẫn bị đau chân do ngã, va đập.

Như trường hợp em N.H.N (SN 2007, Hà Tĩnh), cuối năm 2021 gia đình phát hiện em đi khập khiễng, cứ tưởng vết thương do bị ngã khi đánh bóng chuyền, nên chỉ thăm khám ở bệnh viện huyện. Một thời gian ngắn sau, bệnh tình không đỡ mà càng nặng hơn, chân em ngày càng sưng và bị tràn dịch.

Khi tới Bệnh viện K khám, em được chẩn đoán ung thư xương. Trải qua nhiều đợt hoá trị, sau đó mổ xương với chi phí lên 220 triệu đồng và tiếp tục truyền hoá chất. Mỗi lần truyền hết khoảng 20 triệu do các thuốc điều trị phần lớn nằm ngoài danh mục bảo hiểm y tế.

Còn theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, mỗi năm, cơ sở phát hiện khoảng 50 - 60 ca ung thư xương.

So với trước đây, tỷ lệ này có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân gây tăng sinh các tế bào trong xương ở trẻ chưa rõ ràng, tuy nhiên, ung thư xương nguyên phát thường hay gặp ở giai đoạn dậy thì và sau dậy thì, từ 10-20 tuổi - đây là giai đoạn trẻ tăng trưởng mạnh mẽ về chiều cao, sự biến đổi về tế bào ác tính ở trẻ em nhiều hơn.

Một số trường hợp có yếu tố gia đình như bố hoặc mẹ bị ung thư xương, nhưng tỉ lệ này rất nhỏ. ThS.BS Nguyễn Trọng Quỳnh, Trưởng đơn nguyên Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, biểu hiện của ung thư xương dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, các bác sĩ thường gặp bệnh nhân ung thư xương trong 2 nhóm: Trẻ đến vì sưng đau bất thường xung quanh khớp vai và vùng quanh gối (60%) không có nguyên nhân cụ thể, không sốt; bệnh cảnh sau một chấn thương như chơi thể thao, hoặc sinh hoạt, đến khám với triệu chứng gãy xương (nhóm này ít gặp hơn), tuy nhiên khi chụp phim phát hiện có tổn thương ác tính.

Rất nhiều phụ huynh có con ở lứa tuổi dậy thì lo lắng về căn bệnh này, vì ở lứa tuổi của các em, nhiều trẻ hay kêu đau chân, nhức chân.

Vậy làm thế nào để phát hiện sớm bệnh ung thư xương? Theo bác sĩ Quỳnh, để chẩn đoán sớm bệnh ung thư xương rất khó, vì khi xuất hiện triệu chứng thì khối u đã có từ lâu. Nếu xuất hiện sưng đau thường giai đoạn chẩn đoán đã tiến triển.

Bởi chẩn đoán sớm ung thư xương khác biệt hoàn toàn với các loại ung thư khác (ung thư tử cung, vú, tiền liệt tuyến) có khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát sớm.

Còn với ung thư xương, cả hệ thống cơ thể có hơn 200 xương, chẵng nhẽ đi chụp X-quang suốt ngày để tìm dấu hiệu bất thường.

Trước đây, ung thư xương được coi là án tử. Nói đến ung thư xương, mọi người thường nghĩ đến chẩn đoán cắt cụt đoạn chi thể, gây ra tật nguyền vĩnh viễn, tỷ lệ di căn và tái phát gây tử vong cao.

Nhưng hiện nay, điều trị ung thư xương có rất nhiều tiến bộ, đã cứu được tính mạng người bệnh và giữ được chi thể, cũng như giữ được chức năng tốt cho chi thể.

Tuy nhiên, theo vị bác sĩ, then chốt vẫn là được chẩn đoán sớm. Cha mẹ phải lưu ý, lứa tuổi phổ biến nhất mắc căn bệnh này từ 10-20.

Khi con có dấu hiệu sưng, đau không có nguyên nhân cụ thể, đặc biệt ở vị trí vùng khớp vai, vùng quanh khớp gối, hoặc cổ tay, xương chậu, cổ chân… phải đưa ngay đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về chấn thương chỉnh hình.

Việc phát triển phẫu thuật bảo tồn chi thể trong y học hiện đang phát triển mạnh mẽ, có tới 70-80% trường hợp chúng tôi giữ và bảo tồn được chi thể cho bệnh nhân.

Nghĩa là không phải cắt loại bỏ đoạn xương có khối u như trước đây, mà chỉ phẫu thuật loại bỏ khối u, sau đó tái tạo lại phần khuyết hổng xương và phần mềm để giữ lại chi cho trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, theo thống kê, có khoảng 15% trường hợp khi được chẩn đoán ung thư xương đã có di căn xa, hay gặp nhất là di căn vào phổi, sau đến các xương khác.

Nếu có di căn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ 20-30% với điều kiện phải được điều trị tốt.  Vì vậy, phát hiện sớm rất quan trọng.

Theo bác sĩ Quỳnh, tiên lượng điều trị bệnh ung thư xương ngày nay rất khả quan, mang lại nhiều hy vọng cho người bệnh.

Nhờ có sự tiến bộ vượt bậc về điều trị hoá chất, nên cơ hội sống và bảo tồn chi cho bệnh nhân rất cao. Khả năng bảo tồn tổn thương ung thư xương không phải cắt cụt là 70-80% và tiên lương sống trên 5 năm cũng tương tự. Tất cả thành tựu này là nhờ vào điều trị hoá chất.

Vì vậy, theo vị bác sĩ, với ung thư xương, không chẩn đoán sớm được nhưng phải điều trị sớm nhất có thể. Từ khi nhìn thấy dấu hiệu có tổn thương ác tính phải làm sinh thiết sớm, chụp phim đánh giá kết quả tại chỗ để sàng lọc di căn xa.

Khi được chẩn đoán phải đưa bệnh nhân vào điều trị sớm nhất. Nếu tổn thương độ ác tính cao, phải đưa vào phẫu thuật luôn.

Còn tổn thương độ ác tính thấp, đưa vào chu kỳ điều trị hoá chất trước, sau đó phẫu thuật và tiếp tục 1 chu kỳ điều trị hoá chất. Tổng thời gian điều trị kéo dài của ung thư xương là 8 tháng đến 1 năm.

Trước đó, PGS-TS. Dương Đình Toàn, Phó trưởng Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, ung thư xương có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người trẻ. 

Tại Mỹ, tỷ lệ ung thư xương nguyên phát được chẩn đoán hàng năm là 3.300 ca, trong đó phân nửa số ca tử vong ở năm đầu tiên sau khi phát hiện bệnh.

Đau là triệu chứng phổ biến khiến người bệnh quan tâm đến bệnh và đi khám. Ban đầu đau không khẳng định, có thể tăng, cũng có thể giảm hoặc mất đi theo thời gian, về sau đau âm ỉ liên tục, đau tăng nhiều về đêm và không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Đau có thể liên quan hoặc không liên quan đến vận động.

Có người sờ thấy một hoặc nhiều khối u ở một vùng hoặc tại nhiều vị trí khác nhau. Biểu hiện bệnh rõ hơn khi người bệnh sốt, gầy sụt cân, thay đổi màu sắc da, nổi hạch bạch huyết.

Ung thư xương nguyên phát 50% các tổn thương xuất hiện vùng quanh gối của trẻ em và người trẻ. Ngoài ra, tổn thương có thể ở các vị trí khác như đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay, xương chậu. 

90% ung thư xương thể nội tuỷ có độ ác tính cao, phá huỷ thành xương, xâm lấn phần mềm tạo thành khối phần mềm lân cận. Tỷ lệ di căn phổi khoảng 10-20%.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư xương. Theo bác sĩ Toàn, khi khối u còn khu trú, nên cắt đoạn xương. Phương pháp thứ hai là điều trị hoá chất để làm hoại tử tế bào ung thư, nhiều trường hợp có thể phá huỷ đến 80-90% khối u. Điều trị hoá chất tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 50%.

Cắt cụt khi khối u xâm lấn phần mềm lan rộng. Tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 20%, thường bệnh nhân tử vong do di căn phổi.

Với độ ác tính cao, nhưng ung thư xương hiện chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân nên ăn uống hợp lý như: Ăn nhiều trái cây, rau xanh, hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo; cung cấp đủ canxi cho cơ thể.

Tập thể dục thể thao thường xuyên; tránh tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời mạnh; tránh tiếp xúc với tia phóng xạ, các hóa chất độc hại

Nếu gia đình có người thân mắc ung thư xương cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

Các chuyên gia cảnh báo 90% bệnh nhân ung thư xương ở Việt Nam ở độ tuổi trẻ. Do đó, bác sĩ thường cố gắng mổ bảo tồn chi, để khi ổn định sức khỏe, các em vẫn có thể đi lại. Chỉ những trường hợp muộn như giai đoạn III, tế bào ung thư đã di căn, bác sĩ mới bắt buộc phải cắt cụt hoàn toàn chi.

Tin liên quan
Tin khác