Sức khỏe doanh nghiệp
Bị HoSE cảnh báo, Pomina vẫn chưa chốt được ngày công bố BCTC bán niên 2023
Duy Bắc - 26/09/2023 08:16
Công ty cổ phần Thép Pomina (mã POM - sàn HoSE) thông báo phương án khắc phục khi HoSE đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo do chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023.

Sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã ra Quyết định đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo do chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với quy định.

Công ty Thép Pomina cho biết đang thu thập và cung cấp cho tư vấn khảo sát đánh giá về Công ty để thương thảo giá với nhà đầu tư chiến lược do đó đã làm cho việc chậm số liệu báo cáo tài chính 6 tháng.

Phương án khắc phục, Công ty tích cực làm việc với phía kiểm toán về cung cấp số liệu có báo cáo sớm nhất.

Trước đó, ngày 5/5, HoSE đưa cổ phiếu POM vào diện theo dõi ở diện cảnh báo do lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 là âm 444,68 tỷ đồng. Ngoài ra, thêm nữa, ngày 15/9, HoSE tiếp tục đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo kể từ ngày 22/9 do tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Thép Pomina muốn kéo dài thời gian phát hành hơn 70,1 triệu cổ phiếu

Công ty Thép Pomina vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian lấy ý kiến dự kiến trong tháng 9/2023.

Trong đó, Công ty trình cổ đông điều chỉnh phương án chào bán riêng lẻ 70.175.343 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei, thời gian dự kiến từ tháng 8/2023 đến hết năm 2024 với số lượng chào bán từng đợt theo sự thoả thuận giữa Công ty Thép Pomina với Nansei.

Trước đó, ngày 14/7/2023, Công ty Thép Pomina đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 70.175.343 cổ phiếu cho Công ty Nansei Steel với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 701,75 tỷ đồng, mục đích là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. Trong đó, đợt phát hành riêng lẻ được chia làm hai đợt, đợt 1 sẽ phát hành 10.604.038 cổ phiếu trong tháng 8/2023; và đợt 2 dự kiến phát hành thêm 59.571.305 cổ phiếu trong tháng 9/2024.

Nếu hoàn thành hai đợt chào bán, Công ty Nansei Steel sẽ trở thành cổ đông lớn sở hữu 20,04% vốn điều lệ tại Pomina.

Lý do cho việc kéo dài thời gian chào bán hơn kế hoạch ban đầu, Công ty Thép Pomina cho biết do thời gian chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành vượt ngoài dự kiến, để xúc tiến triển khai các thủ tục hành chính cho việc này, Công ty muốn xin ý kiến cổ đông điều chỉnh nới rộng khung thời gian phát hành.

Ngoài ra, Công ty Thép Pomina cũng thực hiện xin ý kiến cổ đông điều chỉnh tổng vốn đầu tư lò cao từ 2.833 tỷ đồng, lên 5.880 tỷ đồng, tương ứng 53% tổng giá trị tài sản tại thời điểm 31/12/2022 là 11.082 tỷ đồng.

Lỗ 537,02 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 799,36 tỷ đồng, giảm 78,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 350,19 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 62,25 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 287,94 tỷ đồng.

Trong đó, đáng lưu ý, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 35,22 tỷ đồng trong quý II.

Lũy kế trong nửa đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.444,48 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 537,02 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 8,11 tỷ đồng, tức giảm 545,13 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục ghi nhận lỗ trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ lũy kế lên tới 789,26 tỷ đồng, bằng 28,2% vốn điều lệ.

Chuyển kế hoạch từ lãi sang lỗ sau hơn nửa đầu năm 2023

Một diễn biến đáng lưu ý khác, trong Báo cáo thường niên đầu năm 2023, Thép Pomina đưa ra kế hoạch năm 2023 với doanh thu 14.000 tỷ đồng, tăng 7,55% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 300 tỷ đồng với việc ghi nhận lỗ 1.079,9 tỷ đồng trong năm 2022.

Trong đó, trọng tâm kế hoạch kinh doanh là phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn chủ sở hữu, lành mạnh hoá trạng thái tài chính và bổ sung vốn lưu động để khởi động lại lò cao.

Được biết, trước đó, vào quý III/2022, Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí. Phía Pomina cho biết, với quyền lựa chọn nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu hoặc quặng sắt để luyện thép, việc sử dụng một lò điện với công suất đạt mức tối đa và tối ưu chi phí, tốt hơn việc duy trì cả hai lò nhưng sản xuất chỉ ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên, sau hơn nửa năm hoạt động trong niên độ tài chính 2023, ngày 14/7/2023, Pomina bất ngờ điều chỉnh kế hoạch doanh thu từ 14.000 tỷ đồng về 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận từ lãi 300 tỷ đồng sang lỗ 150 tỷ đồng. Trong đó, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT chia sẻ việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để thể hiện sự thận trọng của Hội đồng quản trị trong bối cảnh thị trường thực tế còn khó khăn. Tuy nhiên, yếu tố chính thôi thúc Công ty điều chỉnh kế hoạch là niềm tin ngành bất động sản sẽ chưa tốt lên trong năm nay.

“Từ giờ đến cuối năm, bất động sản có thể vẫn bất động, dù Chính phủ đã cố gắng dùng mọi biện pháp, như giải quyết thủ tục cho từng công trình một, giảm lãi suất và giãn nợ cho các công ty bất động sản. Chính phủ đã cố gắng hết sức, nhưng để chính sách ngấm vào nền kinh tế cần có thời gian. Các chuyên gia cho rằng, năm sau bất động sản sẽ ấm trở lại, nhưng với tôi phải đến tháng 6/2024 thì mới bắt đầu tốt trở lại”, ông Đỗ Duy Thái nhấn mạnh.

Việc người đứng đầu Pomina chia sẻ không phải không có cơ sở, khi trong 6 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina đã ghi nhận lỗ 537,02 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/9, cổ phiếu POM giảm sàn 450 đồng, tương ứng giảm 6,99%, về 5.990 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác