Ngân hàng - Bảo hiểm
Bị “nã” thuế VAT với dịch vụ L/C, ngân hàng than trời
T.L - 23/03/2021 18:54
Ồn ào liên quan đến thu thuế VAT với hoạt động L/C cả năm nay vẫn tiếp diễn. Ngày 23/3/2021, Hiệp hội Ngân hàng lại tiếp tục lấy ý kiến các tổ chức tín dụng về vấn đề này.
Nghiệp vụ thư tín dụng (L/C) rất đa dạng, vừa có tính chất tín dụng, vừa là dịch vụ thanh toán

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Luật thuế Giá trị gia tăng và Công văn hướng dẫn về thuế VAT trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế VAT cho nghiệp vụ L/C. Tuy nhiên, ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục thuế địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế VAT.

Theo đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2011. Căn cứ để Tổng cục Thuế đưa ra hướng dẫn này là theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực (từ 1/1/2011), thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (Khoản 15 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010), do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế VAT.

Phản bác lại căn cứ mà Tổng cục Thuế đưa ra, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, theo Luật các tổ chức tín dụng 2010, cấp tín dụng gồm: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định rõ L/C là một trong các hình thức cấp tín dụng. Thực tiễn thông lệ quốc tế cũng cho thấy, bản chất L/C  là nghiệp vụ cấp tín dụng và được thể hiện qua tên gọi Letter of Credit (L/C) có nghĩa là thư tín dụng, vì có phát sinh rủi ro.

Ngoài ra, khoản 15 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng quy định: “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc..; Thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của ngân hàng”. Có nghĩa quy định trên được hiểu là trong các phương tiện thanh toán có loại hình L/C chứ không phải L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Với các căn cứ trên, Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho rằng, dịch vụ thư tín dụng L/C vừa là hình thức cấp tín dụng (trường hợp ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận thư tín dụng...), vừa là hoạt động thanh toán (khi ngân hàng chỉ đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo L/C, chuyển nhượng L/C và một số hoạt động dịch vụ khác (không cam kết thanh toán). Việc Tổng cục Thuế chỉ coi L/C là nghiệp vụ thanh toán mà không căn cứ các quy định hiện hành khác là chưa đúng bản chất.

Tại Việt Nam, các nghiệp vụ L/C được các ngân hàng sử dụng đa dạng, có loại là dịch vụ thanh toán, vừa là hoạt động cấp tín dụng. Vì vậy, các ngân hàng thương mại cho rằng, cần phải bóc tách để thu thuế một cách hợp lý.

Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, theo thông lệ quốc tế, phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới không áp dụng thu thuế VAT đối với nghiệp vụ L/C vì L/C là cam kết tín dụng.  Một số nước áp thuế trực tiếp (thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với nghiệp vụ L/C (không phải là thuế gián thu như VAT).

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên trước đây, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế)  cho hay, trong gần 200 nước áp dụng thuế VAT, thì 50% số nước có thu dịch vụ L/C vì hàng hóa dịch vụ trong một quốc gia, thì quốc gia đó có quyền thu thuế VAT.

Về phía ngân hàng, điều khiến các ngân hàng lo lắng nhất hiện nay là khả năng bị hồi tố. Hiện các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế VAT đối với các khoản tu từ L/C phát sinh từ ngày 1/1/2011.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cho rằng, do bản chất thuế VAT là thuế gián thu, nên việc “hồi tố”, truy thu thuế VAT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các tổ chức tín dụng và khách hàng doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng sẽ gặp khó khăn rất lớn trong bối cảnh các TCTD đã thực hiện công bố báo cáo tài chính và đã được kiểm toán, quyết toán thuế, chia cổ tức cho cổ đông. Đối với doanh nghiệp, trường hợp phải nộp bổ sung số thuế đã phát sinh từ năm 2011 đến nay, thì tổ chức tín dụng phải liên hệ và thu lại từ khách hàng. Điều này sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp nhất là hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch Covid -19.

Thêm vào đó, với khoảng thời gian 10 năm (từ năm 2011 đến nay) đã có rất nhiều thay đổi, có thể có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc đã giải thể/phá sản/không còn tồn tại nên tổ chức tín dụng không thể thu thuế bổ sung được từ khách hàng.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc ngày 23/3, các tổ chức tín dụng có hai luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng, cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C) được coi là một hình thức cấp tín dụng (không phân biệt trường hợp khách hàng có ký quỹ/không ký quỹ đủ hoặc không đủ 100% giá trị L/C). Tất cả các loại phí thu từ hoạt động thư tín dụng gắn với các cam kết phát hành thư tín dụng L/C sẽ được coi là các khoản thu từ hoạt động cấp tín dụng và thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.    

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, nên phân tách ra nghiệp vụ L/C thành hai loại. Trong đó, loại có rủi ro tín dụng được coi là nghiệp vụ tín dụng, không thuộc đối tượng chịu thuế VAT và loại không rủi ro tín dụng thuộc dịch vụ thanh toán, phải chịu thuế VAT. Tuy vậy, việc phân loại thu phí L/C tùy theo tính chất rủi ro tín dụng trên cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc.

Tin liên quan
Tin khác