Ngân hàng - Bảo hiểm
Bị “phanh” tín dụng, ngân hàng hối hả lập công ty con
Hà Tâm - 03/05/2017 07:31
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang siết lại tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại phải tính kế lập công ty con, đẩy mạnh dịch vụ để bù đắp phần thu nhập thiếu hụt từ mảng kinh doanh cốt lõi.

NHNN siết tín dụng

Từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 3 tổ chức quốc tế khuyến cáo với NHNN về việc tín dụng tăng trưởng quá nóng, sau khi tín dụng quý I/2017 tăng ở mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Trước tình hình này, NHNN đang có động thái hãm tốc độ tăng tín dụng.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm nay là 18%, song nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, NHNN đã hạ tỷ lệ này xuống 16% và quán triệt toàn hệ thống. Khác với mọi năm, đây là con số “cứng”, chứ không linh hoạt điều chỉnh tăng như năm trước. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng cũng đã buộc phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới “túi tiền” của các ngân hàng, vì hiện nay, 70% nguồn thu của ngân hàng đến từ tín dụng.

Giao dịch tại Ngân hàng SHB. Ảnh: Đức Thanh

Đây cũng là lý do tại đại hội đồng cổ đông năm nay, hàng loạt ngân hàng lập kế hoạch thành lập hoặc đưa vào hoạt động các công ty con để tăng thu ngoài tín dụng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank lý giải, hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng đang ở ngưỡng “nhấp nháy”. Nếu tín dụng tiếp tục tăng nóng, hệ số CAR sẽ giảm xuống và thậm chí có nguy cơ không đạt. Chưa kể, tăng trưởng tín dụng quá nhiều có thể gây hệ lụy nợ xấu về sau. Chính vì vậy, năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng tín dụng chỉ ở mức 15%, trong khi năm ngoái là 19%. Cùng với đó, Vietcombank cũng đặt mục tiêu tăng mạnh doanh thu từ mảng phi tín dụng.

Trong quý I/2017, lãi thuần từ dịch vụ của Vietcombank tăng trên 20%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 14%, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

Ngoài Vietcombank, nhiều ngân hàng lớn khác cũng đang chạy đua cải tổ cơ cấu dịch vụ, sản phẩm, nhằm giảm phụ thuộc vào tín dụng.

Tổng giám đốc VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết, trong năm 2016, cơ cấu lợi nhuận của VietinBank đã giảm bớt lệ thuộc vào lãi. Thay vào đó, nguồn thu từ dịch vụ đã được đẩy cao hơn. Lần đầu tiên, tỷ trọng thu ngoài lãi, từ dịch vụ của VietinBank đã đạt mức 20%.

Kiều hối, tín dụng tiêu dùng và mua bán nợ xấu

Dễ nhận thấy, có 3 lĩnh vực mà các ngân hàng đang nhắm vào: kiều hối, tín dụng tiêu dùng và mới đây là mua bán nợ.

Tại đại hội đồng cổ đông mới đây, Vietcombank công bố thành lập Công ty Kiều hối (hiện đã được NHNN chấp thuận), Công ty Tín dụng tiêu dùng và Công ty Mua bán nợ.

OCB cũng lên kế hoạch thành lập hoặc mua lại công ty tài chính, công ty quản lý nợ… Trước đó, năm 2016, nhiều ngân hàng khác, như BacABank, OCB cũng được cấp phép thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực kiều hối.

Vài năm gần đây, các ngân hàng đã chạy đua thành lập công ty trong lĩnh vực kiều hối và tín dụng tiêu dùng, do dư địa của thị trường này khá lớn và tiềm năng. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SHB cho biết, Công ty Tài chính tiêu dùng SHB đi vào hoạt động từ quý III/2017, nhưng sẽ mang về khoản lãi 100 tỷ đồng ngay trong năm 2017. Khoản lãi này sẽ còn tăng mạnh năm 2018.

Một lĩnh vực tiềm năng khác mà nhiều ngân hàng sẽ nhắm vào thời gian tới là lĩnh vực mua bán nợ. Dự kiến, Quốc hội sẽ sớm ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu cùng với các cơ chế bảo vệ chủ nợ trong xử lý tài sản đảm bảo, khiến lĩnh vực này trở thành một thị trường tiềm năng.

Tại đại hội đồng cổ đông mới đây, lãnh đạo VIB đã trình cổ đông thông qua chủ trương mua nợ của tổ chức tín dụng khác theo cơ chế thị trường để đưa về khai thác kinh doanh trong hệ thống VIB. Tổng giá trị hợp đồng mua nợ không vượt quá 6.000 tỷ đồng.

Việc rầm rộ lập công ty con, mở rộng khai khác các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư... là một biểu hiện tích cực của các ngân hàng trong chuyển đổi cơ cấu thu nhập, từ đó giảm bớt sự lệ thuộc vào tín dụng và giảm rủi ro nợ xấu.

Tin liên quan
Tin khác