Theo các kỹ thuật viên, các tạp chất của mồ hôi, mùi nước hoa, quần áo bám bụi… bám vào ngóc ngách của nội thất bên trong xe sau một thời gian dài sử dụng, hay không khí bên ngoài những lần mở cửa xe khi tình trạng ô nhiễm không khí đang là một vấn đề đáng quan ngại tại Việt Nam hiện nay khiến các chủ xe cần lưu ý hơn trong quá trình bảo dưỡng xe.
Nguyên do, bụi bẩn và hơi nước tích tụ do độ ẩm trong không khí ngưng tụ lại, tích lũy một lớp dày trên bề mặt dàn lạnh, đặc biệt ở phiến tản nhiệt, làm cho khả năng làm lạnh của dàn lạnh ngày càng suy giảm. Những mảng bám này tích tụ lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho sự hình thành nấm mốc và vi khuẩn có hại.
Đây là một trong những nguyên nhân khách quan gây ra mùi hôi khó chịu trên xe do hơi ẩm mốc được thổi ra theo luồng gió từ dàn lạnh. Tiếp xúc thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và gia đình, làm kích ứng da và dễ mắc các bệnh đường hô hấp đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 có sự lây lan qua đường không khí, việc hạn chế tính năng lấy gió ngoài đã được kiến nghị áp dụng.
Thực tế, đa phần các dòng xe ô tô hiện nay đều được trang bị 2 tính năng là lấy gió bên trong và bên ngoài. Khi bật chức năng "gió ngoài", hệ thống sẽ hút không khi từ bên ngoài xe, đi qua buồng lạnh để thổi vào ca-bin. Còn khi ấn nút "gió trong", điều hòa sẽ lấy gió ngay từ ca-bin rồi cho quay trở lại. Do đó, "gió trong" sẽ giúp xe nhanh mát hơn tuy không thoáng do không khí được tuần hoàn.
Một lời khuyên khác là khi xe mới được khởi động và chưa bật điều hòa, người dùng nên chọn chế độ lấy gió ngoài, đồng thời mở hé cửa kính. Sau khi đã bật điều hoà (A/C) nên đóng kính cửa, chuyển sang chế độ lấy gió trong để đạt được hiệu quả làm mát nhanh.
Với các xe sử dụng hệ thống điều hoà tự động, khi người dùng chọn chế độ lấy gió trong, trong quá trình sử dụng nếu nhận thấy lượng oxy trong xe không đảm bảo, cảm biến sẽ tự động chuyển sang lấy gió ngoài. Vì vậy, trong một số trường hợp người dùng cũng nên lưu ý để tránh việc khói bụi, mùi bên ngoài lọt vào xe gây khó chịu cho người ngồi trong xe.
Khi lái xe trong điều kiện trời mưa, hoặc trong mùa dịch bệnh nên ưu tiên chế độ lấy gió trong nhằm tránh hơi ẩm lọt vào xe gây ẩm mốc và làm hư hỏng hệ thống điều hòa và cũng hạn chế phần nào sự lây nhiễm vi khuẩn gây hại vì không khí bên trong chỉ luân chuyển theo một vòng tuần hoàn khép kín.
Với thực tế hệ thống điều hòa trên ô tô đảm bảo không khí lưu thông và điều tiết nhiệt độ trong xe giúp người ngồi được đảm bảo đủ oxy trong quá trình xe di chuyển nên việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ và thay thế đúng lúc để duy trì bộ lọc sạch sẽ là rất quan trọng đối với mỗi chiếc xe và sức khỏe của chính bạn.
Đồng thời, bạn cũng phải vệ sinh hệ thống đường ống, cửa gió với các dung dịch làm sạch được khuyến cáo sử dụng theo định kỳ để có môi trường an toàn nhất.
Với các dòng xe cao cấp như Mercedes-Benz hay các dòng siêu xe dàn lạnh được khuyến nghị thực hiện vệ sinh 6 tháng/lần bằng dung dịch chuyên biệt. Do hạng mục này luôn được thực hiện trong mỗi kỳ bảo dưỡng xe với việc kỹ thuật viên dùng bình xịt phun trực tiếp hóa chất vào cửa gió, mà không cần phải tháo taplo, các chủ xe nên đặt nhắc lịch để chủ động thời gian kiểm tra xe định kỳ.
Lọc gió điều hòa được khuyến nghị thay mới 1 năm 1 lần. Do kết cấu của lọc gió có thể lọc được bụi mịn nên các chủ xe Mercedes-Benz được khuyến cáo thay mới chứ không rửa/vệ sinh rồi dùng lại.
Khi bảo dưỡng điều hoà và lọc gió, xe còn có thể được khử khuẩn toàn bộ khoang lái, loại bỏ những vi khuẩn gây hại ở những khe, kẽ khó lau chùi nhờ sự hỗ trợ của 1 máy phun sương thông qua dùng hóa chất chuyên biệt và đặt máy dưới quạt thổi gió của hệ thống điều hòa máy lạnh. Khi hệ thống điều hòa làm việc kết hợp với chức năng lấy gió trong, hóa chất (được máy chuyển hóa thành dạng hơi) sẽ luân chuyển trong khoang nội thất và làm sạch khoang lái. Quy trình này mất khoảng 15 phút.
“Của bền tại người”, lời khuyên cũng được đưa ra là chủ xe dù đã thường xuyên vệ sinh xe, loại bỏ bụi bặm và vi khuẩn nhưng phải lưu ý thêm việc dụng loại nước rửa xe và khăn rửa xe chuyên dụng cho ô tô. Nếu dùng nước rửa chén và xà phòng giặt đồ vì tiện, cái giá phải trả là màu sơn và chất lượng nước sơn xe sẽ giảm đi bởi đây là những chất tẩy rửa mạnh, không phù hợp để rửa xe.
Các hoạt động bảo dưỡng khác như hút bụi, vệ sinh bề mặt da, vệ sinh thảm sàn, vệ sinh bảng điều khiển, vệ sinh ghế ngồi, vệ sinh bề mặt kính cũng nên dùng bằng các dung dịch hóa chất phù hợp theo khuyến nghị của nhà sản xuất.
Khi sử dụng dịch vụ khử khuẩn ở các gara ngoài nên đặt câu hỏi về nguồn gốc của sản phẩm cũng như chất lượng ra sao?Máy phun có kiểm soát được lượng hóa chất phun vào khoang nội thất hay nguy cơ ảnh hưởng đến vật liệu chi tiết trong xe, và đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe của người ngồi trong xe sau đó.
Tất cả đều là nhắm tới mục tiêu giữ gìn chiếc xe có bề ngoài luôn mới và khoang hành khách sạch sẽ, tronh lành, gây hứng khởi trong quá trình sử dụng, đặc biệt là với những chiếc xe có chi phí đầu tư ban đầu cả tỷ đồng.