Chiều ngày 18/7, UBND TP. Cần Thơ tổ chức tọa đàm “Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ”. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy và ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chủ trì buổi Tọa đàm.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại buổi Tọa đàm |
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, công tác gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã trở thành thông lệ được thực hiện định kỳ hàng năm. Thông qua đối thoại là cơ hội trao đổi thông tin hai chiều, để thành phố lắng nghe những ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Trước những bất ổn, rủi ro khó đoán định, những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 dự báo kinh tế trong nước cũng phải đối mặt áp lực lạm phát, biến động của giá nguyên vật liệu, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, biến đổi khí hậu bất thường, trái quy luật..., để TP. Cần Thơ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và vượt qua khó khăn hiện tại, thành phố mong muốn được lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong Hội nghị hôm nay”, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên các ý kiến, kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các vấn đề: khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn; lãi suất ngân hàng cao; vướng mắc về thuế; thủ tục hành chính nguồn; về cung cấp điện để đảm bảo hoạt động sản xuất; cơ sở hạ tầng hạn chế…
Ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Cần Thơ (CBA) nêu những tồn tại khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay là: khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm trong lúc nhu cầu thị trường yếu và sức mua giảm mạnh; khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do các điều kiện tín dụng của doanh nghiệp không đáp ứng được như giá trị tài sản đảm bảo thế chấp giảm, tài sản đảm bảo không còn, các biện pháp để đảm bảo thanh toán nợ vay chưa rõ ràng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lãi vay trung, dài hạn còn khá cao so với tỷ suất lợi nhuận hiện có của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó là khó khăn trong việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp như chi phí xăng dầu, điện nước tăng, bảo hiểm xã hội, y tế tăng do mức lương tối thiểu tăng từ đầu tháng 7/2023.
Từ đó CBA đề nghị UBND TP. Cần Thơ kiến nghị lên các cấp Trung ương cho phép một số doanh nghiệp được giãn, kéo dài thời hạn thanh toán nợ ngân hàng, kéo dài thời hạn nộp, thuế, phí, tiền thuê đất thêm ít nhất 6 tháng.
Ông Phan Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Liên hiệp Kim Xuân (doanh nghiệp sản xuất đinh công nghiệp có trụ sở tại khu công nghiệp Trà Nóc) kiến nghị, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, Công ty rất cần sự hỗ trợ về lãi suất cũng như tiếp cận được vay nhiều vốn ngân hàng hơn. Theo ông Tuấn, lãi suất hiện nay rất cao, cần hạ lãi suất để giảm khó cho doanh nghiệp. Đồng thời, cho Công ty được khoanh nợ, kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội để duy trì hoạt động, cố gắng tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng kiến nghị trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan ban ngành cần giảm tần suất thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản, dược liệu, bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty Hygie & Panacee chia sẻ: “Bên cạnh những thuận lợi, còn nhiều khó khăn của các doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ như vốn đầu tư, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết nối các nguồn quỹ hỗ trợ từ nước ngoài, cơ sở vật chất trang thiết bị... Chúng tôi tha thiết nhận được sự giúp đỡ. Cụ thể như dự án của chúng tôi rất cần có đất để nghiên cứu trồng cây lấy nguyên liệu theo tiêu chuẩn xuất khẩu (organic), cần thuê đất để xây xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn cao, cần đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa ở những quốc gia khác, cần nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, hoặc vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ, chúng tôi không biết tiếp cận ở đâu, nơi nào có thể hỗ trợ và chúng tôi cần những điều kiện gì để được hỗ trợ”.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm |
Sau khi lắng nghe những phản ánh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, qua buổi trao đổi hôm nay, có rất nhiều ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp rất xác đáng, những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề rất trực diện, cụ thể.
Từ đó, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo, đối với những vấn đề, kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương thì thành phố phải tổng hợp lại sớm có đề xuất kiến nghị, phản ánh, báo cáo, đề xuất đầy đủ trung ương để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề, kiến nghị thuộc thẩm quyền của thành phố, mặc dù đại diện lãnh đạo các sở ngành đã trao đổi, trả lời cho doanh nghiệp tại buổi đối thoại, tuy nhiên Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị các ý kiến này phải được trả lời bằng văn bản chính thức để cùng theo dõi kết quả giải quyết, nhằm làm rõ trách nhiệm, tránh những nội dung đã kiến nghị lần này rồi lần sau gặp lại kiến nghị nữa…
Bí thư Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo: “Đối với các nội dung liên quan các sở ngành, tôi đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố phân công cụ thể các sở ngành xem xét thấu đáo, giải quyết có trách nhiệm các kiến nghị này, cố gắng không để những kiến nghị của doanh nghiệp kéo dài. Bởi vì doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đang rất khó khăn, áp lực về giải quyết công ăn việc làm, giải quyết đơn hàng, khó khăn về lãi suất, khó khăn về các thủ tục pháp lý…, cho nên việc đồng hành chia sẻ, giải quyết thủ tục hành chính của nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là yêu cầu rất quan trọng”.
Liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, giảm bớt nhũng nhiều, những giấy tờ không có trong quy định, không cần thiết, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: “Việc này Sở Nội vụ đang tham mưu cho UBND Thành phố để cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tôi nói vui là đừng có 1 cửa liên thông, 1 cửa chính mà đến 9 cửa phụ là “bó tay” ! Mình nói là có 1 cửa chính, tới cửa đó là giải quyết được, nhưng cộng thêm tới 9 cửa phụ nữa thành ra đi tới 10 cửa thì rất khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”.
Ghi nhận những ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành giải quyết từng nội dung kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị đối với các vấn đề doanh nghiệp đặt ra tại buổi đối thoại hôm nay, thủ trưởng các cơ quan có liên quan mặc dù đã có trao đổi trực tiếp rồi tuy nhiên phải có văn bản trả lời chính thức cho doanh nghiệp không quá 3 ngày làm việc. Đồng thời, văn bản trả lời này gửi tới Sở kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.