“Đề nghị Thành phố quản lý chặt chẽ quy hoạch đất đai dọc tuyến ven biển. Hiện có 22 dự án bất động sản du lịch được cấp phép, trong đó có nhiều dự treo nhiều năm, song tại sao không thu hồi?”, ông Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng nghi ngại.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Đà Nẵng cũng nhắc lại thông tin từ báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng cho hay, đối với các dự án chậm triển khai ở khu vực ven biển, đến nay chỉ mới thu hồi được 1 dự án vào năm 2015. Theo bà Hạnh, đây là vấn đề mà người dân Đà Nẵng đang rất quan tâm.
Dự án ven biển của Hoàng Anh Gia Lai đã “treo” gần 10 năm nay. |
“Thành ủy đã chỉ đạo hồi tháng 7/2015, HĐND Thành phố khóa VIII có Nghị quyết số 111 về việc xử lý thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai. Tôi biết, thời gian qua, UBND Thành phố đã có những nỗ lực và động thái tích cực để xử lý, đã mời đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường đại học Luật... để tư vấn cho Thành phố, vì đây là vấn đề khó. Nhưng tôi nghĩ, dù khó đến mấy cũng phải làm. Người dân sẽ đồng tình, đồng hành cùng với chính quyền trong việc này. Vấn đề là Thành phố có quyết tâm, quyết liệt hay không”, bà Lê Thị Mỹ Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục đôn đốc các dự án này triển khai, nếu họ vẫn không có động thái gì, thì phải quyết liệt thu hồi. Đồng thời, HĐND Thành phố tăng cường giám sát việc xử lý vấn đề này. Đặc biệt, bà Hạnh kiến nghị công khai hóa việc xử lý các dự án nêu trên cho người dân biết và giám sát.
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho hay, trong 22 dự án bất động sản du lịch, có 14 dự án ở ven biển, 8 dự án ở khu vực ven đô và trung tâm Thành phố. Đến nay, có 8 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm và tạo diện mạo đô thị cho Đà Nẵng. Với 14 dự án còn lại thuộc diện chậm tiến độ, thời gian qua, Thành ủy, UBND Thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát tất cả các thủ tục pháp lý về đất đai, chứng nhận đầu tư... đối với từng dự án, yêu cầu chủ đầu tư các dự án này ký cam kết tiến độ.
“Chúng ta cứ nói thu hồi, nhưng phải thu hồi theo luật. Theo quy định hiện hành của Luật Đất đai, Luật Môi trường, dự án chậm triển khai được phép gia hạn 24 tháng. Thành phố cũng đã mời đại diện các bộ, ngành hữu quan và một số cơ quan pháp luật để tư vấn. Các bộ đều đồng tình cho phép các dự án chậm triển khai gia hạn 24 tháng. Sau thời hạn đó, dự án nào cố tình không triển khai thì Thành phố sẽ chấm dứt hoạt động và có biện pháp thu hồi. Vấn đề đền bù như thế nào thì tùy theo mức độ mà Thành phố sẽ xử lý tiếp sau khi thu hồi”, ông Trần Văn Sơn cho biết.
Thực tế, đến thời điểm này, hầu hết các dự án chậm triển khai đều đã ký cam kết gia hạn tiến độ với TP. Đà Nẵng, trừ một vài dự án chưa thực hiện do điều chỉnh quy hoạch. UBND TP. Đà Nẵng cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tiến độ trong thời gian ký cam kết, yêu cầu các dự án phải báo cáo thường xuyên.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng đề nghị công bố công khai danh sách các dự án đã được gia hạn 24 tháng và sau thời hạn này sẽ tiến hành thu hồi nếu dự án vẫn không triển khai.
“Với những dự án chậm triển khai hoặc không triển khai, phải dứt khoát thu hồi. Quan điểm này phải xuyên suốt. Có thể bây giờ chưa phải lúc mình thu hồi, nhưng tới lúc thu hồi được thì làm ngay, không nề hà. Với tư cách là Bí thư, tôi chịu trách nhiệm về việc này”, ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định.