Nhiều khó khăn, thách thức đã làm chậm nhịp phát triển kinh tế của nước ta!
Theo đó, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm xuất hiện những diễn biến mới, những khó khăn, thách thức. Diễn biến tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng; các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016.Theo đánh giá ban đầu kết quả trưng cầu dân ý việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động đến từng quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.
Ở nước ta việc đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể bị kéo dài do thay đổi một số điều khoản của Hiệp định này. Việc giải quyết và đối phó với tranh chấp chủ quyền ở biển Đông trước và sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philipines và Trung Quốc cũng là thách thức trong giai đoạn hiện nay, có thể ảnh hưởng kinh tế và an ninh - quốc phòng của nước ta. Bên cạnh đó, tác động về môi trường ở lưu vực sông Mê Kông là vấn đề cần đặc biệt quan tâm giải quyết.
Ở trong nước, sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm ở phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân. Các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo quy chuẩn trong chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng phụ gia, hoá chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh lương thực, thực phẩm, đồ uống và kinh doanh dịch vụ còn khá phổ biến.
Quốc hội đánh giá kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm xuất hiện những diễn biến mới, những khó khăn, thách thức. |
Một vấn đề dư luận hết sức quan tâm về một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, không tạo thêm việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước. Việc triển khai hình thức đầu tư BOT mặc dù đóng góp nhiều mặt tích cực nhất là đã huy động nguồn lực lớn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư lĩnh vực giao thông, tuy nhiên quá trình triển khai còn nhiều bất cập, thiếu quy hoạch, quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến tổng mức đầu tư cao, mật độ trạm thu phí dày làm tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh, tạo gánh nặng cho xã hội, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016 GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước, để đạt mức tăng trưởng này, 6 tháng cuối năm phải tăng xấp xỉ 7,6%, mức tăng này là khó khả thi nhất là trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong 6 tháng cuối năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng ở mức hợp lý nhưng cần điều hành thận trọng những tháng cuối năm nhất là tác động tăng giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình, giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại và tăng giá lương thực, thực phẩm vào mùa mưa bão, do đó, đòi hỏi cập nhật dự báo, phải kiên trì và có các biện pháp đồng bộ thì mới thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết Quốc hội.
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 tăng 7,5%, thấp hơn mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 5,9%, thấp hơn mức tăng 9,2% cùng kỳ năm trước và thấp hơn chỉ tiêu tăng 10% theo Nghị quyết của Quốc hội (chủ yếu do giá xuất khẩu giảm 6,3%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng giảm 0,18%, so 6 tháng cùng kỳ các năm trước: năm 2013 tăng 2,53%; năm 2014: 3,4%, năm 2015: 2,22%.
Bên cạnh kết quả tích cực về phát triển lâm nghiệp thì ở một số địa phương đất rừng bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực môi trường sinh thái. Việc giao khoán đất, rừng cho hộ nghèo theo Nghị quyết 30a thực hiện không nghiêm, kém hiệu quả, tình trạng rừng bị chặt phá để lấy đất chuyển đổi sang trồng sắn và cây lương thực khác diễn ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Nhiều ý kiến cho rằng tiến độ thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm chạp làm lãng phí và sử dụng kém hiệu quả nguồn lực của nhà nước, 6 tháng đầu năm chỉ có 38 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hoá. Tỷ trọng cổ phần nhà nước nắm giữ cao, quá trình cổ phần hoá vẫn gặp khó với vướng mắc lớn nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp và do người đứng đầu thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa bị xử lý trách nhiệm khi không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa.
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 476.000 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước (49%). Trong khi thu NSNN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015 và thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015 thì số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 94,5% so với cùng kỳ năm 2015 là chưa hợp lý.
Ngoài nguyên nhân do giá dầu, khí giảm mạnh, thu cổ tức và lợi nhuận từ DNNN đạt thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DNNN trong một số lĩnh vực còn khó khăn còn có nguyên nhân chủ quan dẫn đến số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt thấp và cần được Chính phủ đánh giá, làm rõ. Nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ ở mức cao.
Việc quản lý, sử dụng tài sản công còn lãng phí, chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Nợ xấu ngân hàng đến cuối tháng 4/2016 là 2,81% so tổng dư nợ, tuy nhiên thực chất ở mức cao nếu tính cả nợ chuyển bán sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đến tháng 5/2016 là 246.986 tỷ đồng (chỉ khoản chuyển này tương đương gần 5% so với tổng dư nợ).
Công tác đào tạo nghề chuyển biến chậm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt hơn 20% trong tổng số lao động đang làm việc, chưa đáp ứng được quan hệ cung cầu trên thị trường lao động và xu thế hội nhập khu vực, quốc tế. Vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt việc làm cho thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng mới ra trường còn khó khăn tốc độ già hóa dân số nhanh là thách thức lớn đối với nước ta
Bên cạnh việc chủ động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế đề xuất tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Tăng cường giám sát chất lượng, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính phù hợp các đạo luật, pháp lệnh đối với các văn bản hướng dẫn dưới luật. Tăng cường kỷ luật ngân sách, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tiến độ đầu tư, đẩy nhanh việc giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng đã có kế hoạch bố trí vốn của cấp có thẩm quyền. Khẩn trương xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, rà soát, xử lý kịp thời các dự án đầu tư thua lỗ, nguy cơ phá sản.
Có các giải pháp đáp ứng với các kịch bản đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công và nợ Chính phủ theo Nghị quyết Quốc hội. Công bố các chính sách và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển.
Xây dựng phương án chủ động ứng phó tác động việc Anh rời EU. Đồng thời đánh giá sự tác động ảnh hưởng và xây dựng các phương án xử lý phù hợp đối với các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia trên biển và khu vực biên giới Tây Nam nước ta sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philipins và Trung Quốc. Đánh giá cụ thể hơn các tác động trực tiếp, gián tiếp khi ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), việc triển khai các cam kết gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) của nước ta. Đồng thời chủ động sớm kết thúc phân giới cắm mốc giữa nước ta và Campuchia.
2. Thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, điều chỉnh hợp lý biểu phí sử dụng dịch vụ để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Đề xuất các giải pháp mang tính lâu dài nhằm phòng chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Triển khai các chính sách và biện pháp cụ thể, đồng bộ phòng, chống hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
3. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước nếu thực hiện không đúng, chậm trễ triển khai và gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại tài sản nhà nước nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn, bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả.
Xây dựng phương án đổi mới phương thức hoạt động Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng của nhà nước tại Tổng công ty này. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và giảm nợ xấu do Công ty này quản lý một cách rõ rệt.
4. Thực thi các giải pháp, biện pháp mạnh mẽ nhất là quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai hiệu quả cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thực thi công vụ, thực sự tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động ở các cấp, các ngành, các địa phương nhất là đội ngũ cán bộ tác nghiệp trực tiếp liên quan về thủ tục đầu tư kinh doanh, đất đai, tín dụng, hải quan, thuế… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia một cách thiết thực.
5. Có giải pháp phục hồi môi trường bị ô nhiễm, hỗ trợ kịp thời và giám sát để doanh nghiệp, người dân khôi phục đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ thuỷ sản, hải sản, chuyển đổi nghề nghiệp ở các tỉnh miền Trung và hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố hải sản chết bất thường. Rà soát, kiểm tra các nguồn thải vào các lưu vực sông, quản lý, kiểm soát chặt chẽ môi trường sông, biển; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn về môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế.
6. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng nông thôn mới cho những địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn; xem xét sửa đổi, phân cấp xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với đặc điểm vùng, miền và điều kiện kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016-2020. T
hực hiện tốt việc kết hợp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các vùng khó khăn khác. Kịp thời xử lý, bố trí kinh phí để bảo đảm các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu trong giai đoạn chuyển giao giữa các chương trình.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung xây dựng và phát triển hình thức tổ chức sản xuất nhất là phát triển hợp tác xã kiểu mới, hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
7. Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo. Tiếp tục đổi mới giáo dục đào tạo tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng đào tạo, cả trình độ, đạo đức học sinh, sinh viên gắn với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, khắc phục việc mất cân đối giữa đào tạo với việc làm. Trình Quốc hội phê chuẩn và xây dựng Chương trình hành động cụ thể để triển khai các hiệp định mới và đề án triển khai 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu trong văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình Nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững” của Liên hợp quốc.
8. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, chủ động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia và lợi ích người dân trên biển; kiên quyết đấu tranh theo luật pháp về biển đảo bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, tăng cường phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng... Kiểm soát thường xuyên việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chăn nuôi, trồng trọt đến sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Chủ động, tích cực phối hợp chỉ đạo giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, không để phần tử xấu lợi dụng, kích động, xúi giục, tụ tập đông người khiếu kiện vượt cấp, hình thành các điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự.
9. Chủ động trong công tác thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tăng cường quản lý của các cơ quan chủ quản báo chí, đặc biệt với những loại hình mới, hoàn thành việc quy hoạch báo chí theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XI về Đề án Quy hoạch và Phát triển báo chí đến năm 2025.