Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trình bày chương trình hành động (Ảnh - Báo Hà Nội Mới). |
Một trong những cam kết của Bí thư Thành ủy Hà Nội nếu trúng cử đại biểu Quốc hội là đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, sách nhiễu, tiêu cực, lãng phí, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ Thành phố.
Ngày 11/5 Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng đã buổi tiếp xúc trực tuyến với 1.640 cử tri tại quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm để vận động bầu cử.
Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ cam kết thực hiện chương trình hành động gồm 8 nội dung lớn.
Một là nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống của người đảng viên, người đại biểu của nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ở nội dung này, ông cũng khẳng định thường xuyên giáo dục, nhắc nhở người thân, những cộng sự chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có quan hệ tốt với người dân ở khu dân cư và nơi làm việc. Kế thừa, phát huy bản lĩnh, truyền thống 91 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ Thủ đô, xây dựng Đảng bộ thành phố đoàn kết, gương mẫu, hợp tác, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Nội dung thứ hai ông nêu trong chương trình hành động là tiếp tục đi sâu, đi sát cơ sở, gần dân, sát dân, gắn bó với nhân dân; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao kỹ năng, bản lĩnh, trách nhiệm trong hoạt động Quốc hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân; tích cực đóng góp hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội.
Bí thư Hà Nội cũng cam kết tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đổi mới, thường xuyên gắn bó, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, với cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; thu thập, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của nhân dân, cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân một cách kịp thời theo quy định của pháp luật.
Ở nội dung tiếp theo, ông Dũng cho biết sẽ đề xuất với Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế nhằm đáp ứng được yêu cầu đề ra, tạo hành lang pháp lý góp phần vào công cuộc phát triển chung của đất nước và của Thủ đô Hà Nội. Tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân gắn với phát triển Thủ đô Hà Nội.
Tiếp theo, với nội dung thứ tư, Bí thư Hà Nội cam kết tạo chuyển biến mạnh trong công tác cải cách hành chính, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tạo, đẩy mạnh phân cấp cho các cơ quan, đơn vị. Thu hút đầu tư, thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Nội dung thứ năm ông Dũng nêu là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đề cao tính nêu gương, đặc biệt là người đứng đầu, gắn bó mật thiết với nhân dân, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và văn hóa ứng xử với người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, sách nhiễu, tiêu cực, lãng phí; coi trọng kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ thành phố.
Sáu là quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thi và nông thôn; triển khai hiệu quả, toàn diện các lĩnh vực để thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Bảy là quán triệt phương châm “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo, triển khai, cụ thể hóa 10 Chương trình công tác toàn khóa đã được Thành ủy khóa 17 ban hành, trong đó chọn lọc các việc trọng tâm, trọng điểm, mang tính điểm nhấn, đột phá để quyết liệt triển khai nhằm đạt được mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ thành phố đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cuối cùng, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cam kết phối hợp chặt chẽ với đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện quyền giám sát của cơ quan dân cử, nhất là về một số lĩnh vực mà cử tri quan tâm, như việc thực hiện cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, sử dụng ngân sách; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri.