Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (ảnh: Trọng Tín) |
Ông Nhân cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo Sở Y tế, 24 quận, huyện và các bệnh viện trên địa bàn phải rà soát lại quy trình của bác sĩ, người phục vụ, người thân vào chăm sóc người bệnh. Các bệnh viện phải đảm bảo không có người nào được đi lại tự do giữa các khoa, đảm bảo các bệnh viện không trở thành ổ dịch.
"Hiện nay chúng ta có ổ dịch lớn là Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội. Nơi đó, hàng nghìn người ra vào mỗi ngày. Tôi được biết có nguy cơ phải truy tìm 30.000 người từng đến đây trong vòng 14 ngày, trong đó tỷ lệ nhiễm là bao nhiêu? Đi đến đâu? Trong 1 tháng nữa chắc sẽ bộc lộ", ông Nhân nói và nhấn mạnh thêm, các bệnh viện phải đảm bảo thời gian nghỉ của bác sĩ đúng quy định của Nhà nước, giữ sức khỏe đối với đội ngũ y tế.
Theo ông Nhân, Covid-19 là loại virus mới nên hiện chưa có vaccine và chưa có thuốc đặc trị. Tại thời điểm virus này phát tán cách đây 3 tháng, không ai dự đoán được nó lây lan khủng khiếp như hiện nay. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam không hề bị "vỡ trận" về y tế, không thiếu giường bệnh, chưa có người tử vong. Từ đó cho thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 thực sự có hiệu quả. "Thành phố từng nói không để số ca bệnh lên 150 ca qua 10 ngày vàng. Tôi tin Thành phố sẽ không có 150 người nhiễm bệnh đến 2/4. Nhưng chúng ta không được chủ quan. Càng giữ lượng nhiễm thấp bao nhiêu thì cuộc sống người dân được đảm bảo bấy nhiêu", ông Nhân nói.
Đánh giá về cơ hội "vàng" của cả nước trong thời gian tới, ông Nhân cho rằng, qua bài học thực tế, trường hợp dương tính của các nước không có thói quen đeo khẩu trang, không hạn chế tụ tập thì số ca nhiễm tăng theo cấp nhân chỉ trong thời gian ngắn.
"10 ngày tới là cơ hội vàng để chúng ta kiềm chế dịch bệnh, Thành phố đã đưa ra thông điệp đến từng hộ dân, từng người dân. Nếu trước đây là khuyến cáo thì hiện tại, những việc đeo khẩu trang, cấm tụ tập là bắt buộc, có chế tài", ông Nhân nói và trải lòng thêm, dịch bệnh không nằm trong "kế hoạch" của bất kỳ ai. Tổn thất của người dân, Thành phố hiểu, nhất là giáo viên, học sinh thời gian qua phải dừng học tập, giảng dạy là điều không bình thường.
“Thời điểm này là lúc cả nước cần sự chia sẻ để cùng nhau chiến thắng đại dịch. Nếu không chấp nhận sự thiệt hại về kinh tế trước mắt, những hậu quả lớn hơn trên quy mô cả nước là không thể tránh khỏi. TP.HCM đã xác định trong thời điểm dịch, 600.000 người mất việc hoặc 1 phần việc do dịch bệnh. Thành phố đã chủ động vận động cán bộ, viên chức giảm một nửa thu nhập tăng thêm, dành cho người lao động mất quyền lợi”, ông Nhân thông tin.
Bên cạnh đó, ông Nhân cũng đề nghị thời gian tới, Thành phố cần xem xét việc có nên ngừng hoạt động tại nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn trong thời gian dịch đang bùng phát, bởi những nơi này có hàng trăm đến hàng nghìn người làm việc, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch nếu có người nhiễm Covid-19.
"Đại dịch này không phải cơ hội để kinh doanh. Kinh doanh mà phá hỏng công cuộc phòng, chống dịch là có tội với đất nước", ông Nhân nhấn mạnh.