UBND tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị gặp mặt và đối thoại với doanh nghiệp. Theo thống kê, năm 2019, Đắk Lắk có 1.177 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 13.480 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp của tỉnh lên 8.975 doanh nghiệp. Cùng với việc đề ra các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năm 2019, UBND tỉnh và chính quyền các cấp đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp được các cấp, các ngành trong tỉnh duy trì thường xuyên.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Bùi Văn Cường cho rằng, nếu Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước thì Đắk Lắk là địa bàn “chiến lược của chiến lược”.
Ông Bùi Văn Cường tìm hiểu về một sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Theo ông Bùi Văn Cường, hướng phát triển của Đắk Lắk vẫn phải là sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của Đắk Lắk tăng trưởng hơn 4,2% với nhiều mặt hàng đứng đầu cả nước như cà phê, tiêu, sắn. Tỉnh Đắk Lắk cũng là tỉnh có số lượng công ty nông, lâm nghiệp nhiều nhất nước với 25 công ty trực thuộc tỉnh và 21 công ty thuộc Trung ương.
“Mục tiêu của tỉnh trong những năm tới là xây dựng Đắk Lắk trở thành thủ phủ của Tây Nguyên. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể nào đạt được mục tiêu này nếu thiếu vắng những doanh nghiệp hùng hậu, những doanh nhân có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt với khả năng cạnh tranh cao chính là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Với những thành quả quan trọng về kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019 và khí thế mới 2020, có thấy doanh nghiệp trên địa bàn còn nhiều cơ hội phát triển", Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định.
Để đạt được điều đó, theo ông Bùi Văn Cường, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Đắk Lắk tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới. Doanh nghiệp nhà nước không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác; kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể phải thực sự trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới chính mình, đổi mới tư duy kinh doanh, phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, tranh thủ những cơ hội, thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định FTA,…
Tỉnh Đắk Lắk có những bước phát triển quan trọng trong những năm qua. |
Để đảm bảo là chính quyền phục vụ và kiến tạo, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, sự quan tâm hợp tác của nhà đầu tư là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương tập trung bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, của Tỉnh ủy về tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó có những nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung quyết liệt trong giải quyết tiếp cận đất đai, xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cần đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để thúc đẩy liên kết vùng, đặt biệt là đường sắt (Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa), cao tốc, quốc lộ (vành đai phía đông TP. Buôn Ma Thuột, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29, đường vành đai phía tây 2, xây dựng đường cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa); và phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế…