Ngân hàng
Bị "tuýt còi" vì mua hộ vé số: Các ví điện tử có vi phạm pháp luật?
Hà Tâm - 04/10/2021 09:23
Ngày 1/10 vừa qua, hàng loạt khách hàng khi truy cập ví điện tử đã không thể sử dụng dịch vụ mua hộ vé số.
Các ví điện tử đồng loạt cắt dịch vụ mua hộ vé số từ ngày 1/10. Ảnh: Đức Thanh

Đồng loạt cắt dịch vụ mua hộ vé số

Sáng 1/10, nhiều khách hàng cho hay, họ không thể mua vé xổ sổ Vietlott, hay đặt dịch vụ “1 ăn 70” qua các ví điện tử như MoMo, ZaloPay, VietelPay, VTC Pay, Airpay… như trước nữa.

Trước đó, từ tháng 5/2021, ví điện tử MoMo xuất hiện dịch vụ Lô tô hai số, hình thức đặt 1 ăn 70 lần nếu đoán trúng hai số cuối cùng trong giải đặc biệt xổ số kiến thiết miền Bắc, dịch vụ do Công ty cổ phần Lộc Đỉnh Cao cung cấp. Trong khi đó, các ví điện tử khác cũng nở rộ hình thức mua hộ vé số, phổ biến nhất là vé Vietlott.

Thông tin từ Vietlott cho biết, Công ty không rõ các đối tác mua hộ có được cung cấp dịch vụ hay không và khuyến nghị khách hàng nên mua vé trực tuyến qua các ứng dụng chính thống của Công ty để được cung cấp vé số điện tử và được đảm bảo quyền lợi trả thưởng.

Trong khi đó, phía MoMo cho biết đã ngừng hợp đồng, không còn cung cấp dịch vụ bán vé số (kể cả dịch vụ bán vé Vietlott lẫn dịch vụ “đặt 1 ăn 70”) và đang yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nêu trên giải trình với cơ quan quản lý. Theo đại diện MoMo, MoMo là đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và chỉ hợp tác, hỗ trợ thanh toán cho các đối tác hoạt động hợp pháp.

Trước đó, ngày 30/9, Bộ Tài chính khẳng định, các doanh nghiệp mua hộ vé số (chủ yếu là các ví điện tử) đang vi phạm pháp luật, bởi kinh doanh xổ số là ngành có điều kiện, phải được Bộ Tài chính cấp phép.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, thời gian qua xuất hiện một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán vé Vietlott và dịch vụ “đặt 1 ăn 70” với kết quả tính theo 2 số cuối giải đặc biệt xổ số kiến thiết miền Bắc. 

Dẫn chiếu các văn bản như Nghị định 30/2007/NĐ-CP về kinh doanh xổ số, Nghị định 78/2012/NĐ-CP, Thông tư 36/2019/TT-BTC, Bộ Tài chính khẳng định, kinh doanh xổ số là ngành kinh doanh có điều kiện. Các đơn vị kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán có quy định vé số điện toán được phân phối theo các phương thức bán trực tiếp cho khách hàng thông qua thiết bị đầu cuối; bán thông qua điện thoại cố định và điện thoại di động; bán thông qua Internet. Các phương thức này chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận.

Như vậy, Bộ Tài chính khẳng định, việc một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “đặt 1 ăn 70” với kết quả tính theo 2 số cuối giải đặc biệt xổ số kiến thiết miền Bắc và một số trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ mua hộ vé số Vietlott là hành vi vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh xổ số, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, đồng thời nhấn mạnh sẽ phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm. 

Ví điện tử có vi phạm pháp luật?

Việc hàng loạt ví điện tử, thậm chí cả ngân hàng triển khai dịch vụ mua hộ vé số từ giữa năm nay, song đến bây giờ Bộ Tài chính mới lên tiếng khẳng định dịch vụ này là vi phạm quy định pháp luật khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nhiều chuyên gia nhận định, có thể Bộ Tài chính siết lại hoạt động mua hộ vé số trên ví điện tử là do thời gian qua, một số công ty xổ số đã bắt tay với ví điện tử ra mắt các sản phẩm dạng lô đề trá hình. Động thái của Bộ Tài chính có thể là để “nắn gân” các công ty xổ số khi cung cấp các sản phẩm xổ số trá hình lô đề này trên các kênh điện tử.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, cơ sở pháp lý để cho rằng các ví điện tử vi phạm pháp luật khi mua hộ vé số là chưa rõ ràng.

“Các ví điện tử chỉ là đơn vị mua hộ, không phải là đơn vị kinh doanh xổ số. Nếu nói vi phạm quy định kinh doanh xổ số thì đối tượng bị xem xét phải là công ty xổ số, các đại lý xổ số. Nếu có hiện tượng các ví điện tử bị lợi dụng để bán lô đề trá hình thì nên cấm, còn với xổ số điện tử, tôi nghĩ rằng khuyến khích thanh toán điện tử là hợp lý”, luật sư Đức khẳng định. 

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, việc cơ quan quản lý siết chặt hoạt động của các ví điện tử là rất cần thiết. Hiện nay, hệ sinh thái của các ví điện tử ngày càng đa dạng, không chỉ có dịch vụ thu hộ, chi hộ, mà còn liên kết với các quỹ ủy thác đầu tư để huy động vốn, liên kết các ngân hàng, công ty tài chính để cho vay… Nếu các ví điện tử luôn vin vào cớ chỉ là “đơn vị trung gian thanh toán” để đẩy mọi trách nhiệm cho đối tác, khi rủi ro xảy ra, người sử dụng ví sẽ phải “đơn thương độc mã” giải quyết mọi hậu quả phát sinh, trong đó có các rủi ro liên quan đến dịch vụ mua vé xổ số.

Mức xử phạt về vi phạm trong lĩnh vực xổ số theo quy định của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 như sau

- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh xổ số không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện phân phối vé xổ số không đúng phương thức được phép phân phối.

- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng kết quả xổ số của doanh nghiệp kinh doanh xổ số để tổ chức các chương trình dự thưởng không theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện phân phối vé xổ số không đúng phương thức được phép phân phối.
Tin liên quan
Tin khác