Mặc dù Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các trung gian thanh toán, tổ chức thẻ quốc tế phải tăng cường kiểm tra, giám sát giao dịch liên quan đến forex, tiền ảo, chứng khoán quốc tế…, song các giao dịch vẫn diễn ra sôi động, khó kiểm soát.
Các giao dịch đầu tư forex, tiền ảo... được thực hiện trên hệ thống Internet và không được cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp phép |
Mất tiền vì sàn lừa đảo, nhà đầu tư tố ví điện tử
Lãi suất giảm trong khi lợi nhuận từ các kênh đầu tư rủi ro như forex, tiền ảo, chứng khoán quốc tế… quá lớn, khiến nhiều nhà đầu tư nhắm mắt, bỏ qua cảnh báo rủi ro để rót tiền đầu tư vào các kênh này. Hậu quả là, rất nhiều nhà đầu tư đã mất tiền tỷ cho các kênh đầu tư bất hợp pháp này, nhất là khi trót đầu tư nhầm vào các sàn forex, chứng khoán quốc tế có dấu hiệu lừa đảo, ôm lệnh, đốt cháy tài khoản để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Thông tin gửi tới Báo Đầu tư, nhiều nhà đầu tư cho hay, điểm chung của nhiều sàn forex và sàn chứng khoán quốc tế có dấu hiệu lừa đảo như Kawamex, Utspot, United Market (Utdmarket.com), UTspot (Utspot.com), Bullaim.com, On Best Trend (obtrend.com), Bull Bear Market (bbmtrade.com), Tradecmx, ASM, Rosyfx… là dụ dỗ nhà đầu tư gửi tiền qua ví điện tử Ngân Lượng hoặc các thẻ quốc tế như Visa, Mastercard.
Trong đơn thư gửi tới Báo Đầu tư, anh Nguyễn Tiến Cương (Bắc Ninh) cho hay, năm 2020, tin lời dụ dỗ qua mạng, anh đã bị đối tượng Phương (số điện thoại 0938.760.4XX) và đối tượng Minh Quân dụ dỗ mở tài khoản chứng khoán quốc tế trên sàn GKFX Prime. Quân và Phương nói dối đây là sàn được Bộ Công thương cấp phép và cam kết lợi nhuận 15%/tháng.
Các đối tượng đưa ra mã số ví điện tử, cho biết đây là tài khoản ví của anh Cương và liên tiếp đề nghị anh nộp tiền vào tài khoản này để giao dịch. Tin tưởng, anh Cương đã nộp tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng vào ví Ngân Lượng, trên giấy chuyển tiền ghi rõ “Nộp tiền vào tài khoản của Nguyễn Tiến Cương”.
Tuy nhiên, thực chất, mã ví này là của người khác, các đối tượng trên lập lờ thông tin về chủ tài khoản ví để gây nhầm lẫn cho anh Cương và chiếm đoạt số tiền. Toàn bộ số tiền hơn 1,8 tỷ đồng mà anh nộp vào ví Ngân Lượng và tin là ví của mình, nhưng thực chất lại nằm trong ví của người khác. Sau khi anh Cương nộp tiền vào tài khoản, các “chuyên gia” của sàn liên tục đưa ra chỉ dẫn sai để anh cháy sạch tài khoản (âm 70.000 USD).
Anh Cương cho hay, sau khi nhận ra sàn GKFX có dấu hiệu lừa đảo, anh đã làm việc với Công ty Ngân Lượng, chất vấn tại sao lệnh chuyển tiền không trùng khớp giữa mã ví và tên chủ tài khoản ví mà Công ty vẫn thực hiện lệnh chuyển tiền vào ví. Đồng thời, anh Cương cũng nộp đơn tố giác các đối tượng môi giới lừa đảo và sàn GKFX đến công an Bắc Ninh. Trong đơn tố giác, anh Cương cũng đề nghị làm rõ việc có hay không Công ty cổ phần Ngân Lượng cấu kết với bọn tội phạm công nghệ cao để chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của nhà đầu tư.
Trước tình trạng dòng vốn đổ vào forex, tiền ảo, chứng khoán quốc tế chưa có dấu hiệu giảm, đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị liên quan như trung gian thanh toán, tổ chức thẻ quốc tế, tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ phải tiến hành nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát, rà soát các giao dịch thẻ phát sinh tại đơn vị chấp nhận thẻ, nhằm ngăn chặn một số hình thức vi phạm pháp luật, sớm phát hiện các giao dịch đáng ngờ…
Tuy nhiên, theo khảo sát của Báo Đầu tư, các giao dịch liên quan đến forex, tiền ảo, chứng khoán quốc tế vẫn diễn ra hết sức sôi động. Câu hỏi đặt ra là, ví điện tử, thẻ quốc tế vô tình hay hữu ý tiếp tay cho các giao dịch bất hợp pháp này?
Bất lực giám sát dòng tiền chảy vào forex, tiền ảo, chứng khoán quốc tế?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư liên quan tới những chất vấn của nhà đầu tư, ông Đinh Hồng Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ngân Lượng thừa nhận, thực tế, mặt bằng lãi suất giảm đang khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, trong đó có cả các kênh đầu tư không được pháp luật Việt Nam thừa nhận như forex, tiền ảo, chứng khoán quốc tế…
“Chúng tôi tuyệt đối không bắt tay hợp tác với các sàn forex hay bất kỳ tổ chức nào hoạt động trong lĩnh vực mà pháp luật Việt Nam không cho phép. Tuy nhiên, pháp luật đang có kẽ hở, không thể kiểm soát được các giao dịch giữa cá nhân với nhau. Ngân Lượng có dịch vụ thu hộ, chi hộ, nếu các cá nhân yêu cầu chuyển tiền cho ví điện tử mà nội dung không ghi là chuyển tiền để giao dịch forex, chứng khoán quốc tế…, thì chúng tôi cũng không thể phát hiện”, ông Quân cho biết.
Riêng với trường hợp của khách hàng Nguyễn Tiến Cương, Tổng giám đốc Ngân Lượng cho biết đã làm việc và cung cấp toàn bộ thông tin về tài khoản nhận tiền của anh Cương cho công an, đồng thời đã tiến hành phong tỏa toàn bộ số tiền hơn 1,8 tỷ đồng trong tài khoản của bên nhận tiền theo yêu cầu của cơ quan công an.
Giải thích lý do Ngân Lượng vẫn thực hiện lệnh chuyển tiền vào tài khoản mà mã ví và tên người nhận trong nội dung chuyển tiền không trùng khớp, ông Quân cho hay, mỗi ngày, Ngân Lượng thực hiện hàng chục ngàn lệnh chuyển tiền, nên chỉ căn cứ vào mã ví, bởi mã ví là duy nhất, còn tên người nhận, ngày sinh, địa chỉ… của khách hàng có thể trùng nhau.
Cũng theo thông tin của ông Quân, tài khoản ví nhận tiền của anh Cương từ khi hoạt động chỉ nhận các khoản tiền nạp vào của anh Cương, không có các giao dịch bất thường, nên rất khó phát hiện đây là giao dịch liên quan đến hoạt động bất hợp pháp. Ông Quân không loại trừ khả năng đây là tài khoản ví được thuê mượn. Để tiến hành các giao dịch bất hợp pháp, một tổ chức thường thuê mượn nhiều cá nhân đứng tên để các đơn vị liên quan khó giám sát, phát hiện.
Tổng giám đốc một ví điện tử khác cũng cho hay, thực tế, các ví điện tử, ngân hàng, tổ chức thẻ luôn thực hiện các quy trình, nguyên tắc phát hiện và báo cáo giao dịch đáng ngờ. Tuy nhiên, với các giao dịch nhìn bề ngoài có vẻ bình thường, thì việc phát hiện là rất khó.
“Với các giao dịch cá nhân chuyển tiền cho nhau, việc phát hiện đâu là giao dịch hợp pháp, đâu là giao dịch liên quan đến forex, tiền ảo, chứng khoán quốc tế là rất khó”, vị tổng giám đốc này nói.
Forex hay chứng khoán quốc tế là thị trường tài chính lớn nhất thế giới, giúp nhiều nhà đầu tư làm giàu, song cũng đẩy nhiều nhà đầu tư vào thua lỗ. Tại Việt Nam, những sàn forex dụ dỗ người chơi tham gia đều là sàn lừa đảo, đa cấp. Chính vì vậy, các chuyên gia đầu tư khuyến cáo, nhà đầu tư không nên tham gia sân chơi này, nếu không am hiểu.
Ông Đinh Hồng Quân cho rằng, biện pháp tốt nhất để nhà đầu tư không mất tiền oan là phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về các kênh đầu tư bất hợp pháp. Biện pháp thứ hai là Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ về công nghệ để ngăn chặn những website dụ dỗ đầu tư bất hợp pháp, đồng thời có chế tài xử lý mạnh tay.
“Phải tiến hành song song nhiều giải pháp, chứ ngân hàng, ví điện tử rất nỗ lực, song cũng chỉ phát hiện các giao dịch bất hợp pháp ở mức độ”, ông Quân nêu ý kiến.
Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, trong khi ngân hàng quy định chặt chẽ về nội dung lệnh chuyển tiền (số tài khoản và tên chủ tài khoản phải trùng khớp), thì quy trình thu hộ, chi hộ của ví điện tử có phần dễ dãi. Việc ví điện tử chỉ căn cứ vào mã ví, mà không quan tâm đến tên chủ tài khoản đang trở thành kẽ hở để các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết đã thu thập được nhiều thông tin quảng cáo, kêu gọi đầu tư tài chính thông qua các sàn đầu tư tài chính, đặc biệt là hình thức đầu tư thị trường ngoại hối (forex) và đầu tư quyền chọn nhị phân (Binary Options, hay BO).
Theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự (xử phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam theo Điều 217a, Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp).