Thông tin doanh nghiệp
BIDV đồng hành tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam năm 2023
Như Loan - 20/03/2023 16:12
Ngày 17/3/2023, Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023 đã diễn ra với chủ đề “Đột phá mới cho miền Trung – Tây Nguyên: chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững”.

BIDV là ngân hàng duy nhất đồng hành với diễn đàn, khẳng định là ngân hàng tích cực thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần thực hiện chuyển dịch năng lượng toàn cầu và luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên phát triển.

Đến hết năm 2022, BIDV dẫn đầu thị trường về tài trợ các dự án xanh với hơn 1.386 khách hàng và dự án, tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 61.700 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, với hơn 800 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 53.200 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng xanh hiện chiếm 3,3% tổng dư nợ BIDV tương đương 49.000 tỷ đồng. Tính riêng các dự án điện gió, điện mặt trời có quy mô vay vốn trên 500 tỷ đồng, trong giai đoạn 2020-2021, BIDV đã tài trợ 25 dự án với tổng số tiền cho vay khoảng 23.400 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng và ưu tiên cao nhất của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam sớm nhận thức tầm quan trọng của thực thi chuyển đổi xanh bằng việc tích cực tiếp cận các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh. Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tiếp cận các xu hướng mới của thế giới, các mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, ứng dụng công nghệ số, từng bước thay thế các phương thức vận hành truyền thống, giảm thiểu tối đa mức độ tác động tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người.

Thực tiễn cũng cho thấy, các nền tảng dữ liệu và công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhiều khả năng có thể cải thiện, giải quyết hiệu quả, thậm chí hóa giải được những thách thức có tính cấp bách đang đặt ra cho thế giới và các quốc gia liên quan đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Các chuyên gia công nghệ số thế giới cho biết, các giải pháp công nghệ 4.0 có tiềm năng cắt giảm 20% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Trước xu hướng thực thi chuyển đổi kép “xanh và công nghệ số” nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trên cơ sở nhu cầu và yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh nhằm đạt được tăng trưởng xanh và đáp ứng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…

Việc đặt vấn đề “chuyển đổi kép” để cùng bàn thảo tính phù hợp cũng như tìm ra các giải pháp hiệu quả thúc đẩy quá trình này trên thực tiễn tại các địa phương và với các ngành kinh tế là cần thiết và cấp thiết. Theo đó, Diễn đàn Vietnam Connect 2023 tập trung đề cập và bàn thảo về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi kép “xanh và công nghệ số”, xu hướng và các mô hình, giải pháp đang triển khai trên thế giới, đánh giá cơ hội và khả năng ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam. Chủ đề này cũng được phân tích và thỏa thuận trên cơ sở các bài toán thực tiễn đang đặt ra tại các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, nông - lâm nghiệp bền vững.  

Trước đó, Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam - lần thứ nhất (năm 2021) được tổ chức tại Hà Nội và lần thứ hai (năm 2022) tại Thành phố Hồ Chí Minh, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mang lại giá trị và ý nghĩa thiết thực đối với các địa phương Việt Nam. Diễn đàn cũng là cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia kinh tế và CEOs các tập đoàn doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác