Thông tin doanh nghiệp
BIDV: Khát vọng vươn xa
H.D - 29/04/2022 10:34
2021 là năm đầu triển khai các Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
TIN LIÊN QUAN

Và những thành quả đạt được của năm 2021 mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước có đóng góp không nhỏ của hệ thống ngân hàng, đặc biệt, là vai trò của những thành viên “đầu tầu”…

Những con số biết nói

Trong bối cảnh đại dịch kéo dài sang năm thứ 2 liên tiếp với mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề hơn, để có thể góp phần đưa đất nước từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống, hoạt động BIDV diễn ra an toàn, thông suốt. Hoàn thành toàn diện, vượt trội các mục tiêu kế hoạch kinh doanh do ĐHĐCĐ giao, bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, đảm bảo quyền lợi của cổ đông và người lao động.

Theo đó, kết thúc năm 2021, BIDV tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản hợp nhất đến 31/12/2021 đạt 1.761.696 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so với năm 2020.


Với hạn mức tín dụng được NHNN giao, BIDV tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và định hướng kinh doanh của Ngân hàng. Đến 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư hợp nhất đạt 1.677.310 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2020, trong đó dư nợ tín dụng hợp nhất đạt 1.368.029 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2020, chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.

Trong đó, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững, dư nợ bán lẻ tăng 25% so với năm 2020, dư nợ bán lẻ chiếm tỷ trọng 40% tổng dư nợ, cao nhất trong các phân khúc khách hàng; dư nợ SME và FDI tăng tương ứng 15% và 21%. 

Để cung cấp đủ nguồn vốn cho các nhu cầu của khách hàng và đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống, tính đến 31/12/2021 tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng đạt 1.641.777 tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.509.483 tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Đặc biệt, chất lượng tín dụng đạt kết quả tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ nợ xấu thời điểm 31/12/2021 ở mức 0,82%, hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ giao, đảm bảo mục tiêu định hướng của NHNN. BIDV thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, trong đó năm 2021 đã trích đủ 100% DPRR cho dư nợ cơ cấu theo các Thông tư 01/03/14 của NHNN, sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của NHNN. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu riêng khối NHTM thời điểm 31/12/2021 đạt 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây.

Những nỗ lực trên đã đưa đến con số lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.548 tỷ đồng, tăng 50,1% so với năm 2020. Điểm đáng chú ý, trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn, thu dịch vụ ròng (bao gồm thu phí từ hoạt động bảo lãnh) đạt 8.546 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2020. Trong đó, thu dịch vụ ngân hàng số tăng 31%, thu tài trợ thương mại tăng 31,7%, thu bảo hiểm tăng 48%, thu tư vấn phát hành trái phiếu tăng 92%…

Các chỉ tiêu sinh lời ROA và ROE lần lượt đạt 0,66% và 13,1%, cải thiện tích cực so với năm 2020 (0,48% và 9,18%). Các tỷ lệ an toàn đảm bảo đúng quy định. Chi phí hoạt động kiểm soát phù hợp với điều kiện kinh doanh, tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập ròng (CIR) là 31,1%, giảm so với năm 2020 (35,4%).

Với 28 ngân hàng niêm yết, giá trị vốn hóa gần 1.900 nghìn tỷ, chiếm 25% tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam, các tổ chức tín dụng Việt Nam là một trong những trụ cột và động lực phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, giá trị vốn hóa thị trường của BIDV đạt 187,2 nghìn tỷ đồng (8,14 tỷ USD), đứng thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phát triển bền vững: Mục tiêu xuyên suốt

Trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, BIDV đã huy vai trò của ngân hàng thương mại lớn, triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vận hành hoạt động thông suốt. Cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống...

Cụ thể, Ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch theo đúng chủ trương, chính sách và chỉ đạo như thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 9.000 khách hàng với tổng dư nợ cơ cấu hỗ trợ khách hàng là trên 101.000 tỷ đồng. Triển khai giảm lãi suất 0,4-5,8%/năm cho hơn 470.000 khách hàng, giảm phí dịch vụ cho khách hàng, chủ yếu là các loại phí giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử. Đồng thời, giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và 20.000 tỷ hỗ trợ khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Tổng thu nhập BIDV đã giảm trong năm 2021 để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch là 7.900 tỷ đồng.

Hệ thống Ngân hàng cũng là ngành giải quyết nhiều công ăn, việc làm và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đóng góp tích cực và công tác an sinh xã hội, chống dịch bệnh, thiên tai, xóa đói giảm nghèo… Theo đó, với vai trò, uy tín, thương hiệu, BIDV cũng đã tích cực triển khai trên 170 chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ công tác phòng chống dịch với tổng kinh phí 460 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2021, BIDV vẫn thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về số nộp Ngân sách Nhà nước tại Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng đã nộp ngân sách Nhà nước 5.169 tỷ đồng, lũy kế 5 năm 2017-2021 BIDV nộp Ngân sách Nhà nước hơn 28 nghìn tỷ đồng.

Dịch bệnh diễn biến khó lường với sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến triển vọng kinh tế, lạm phát toàn cầu năm 2022 khó dự báo, đặt ra những khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ 2022 đã thống nhất thông qua các chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2022. Cụ thể, tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao; Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 20.600 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với năm 2021, đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường, năng lực của BIDV trước tác động của dịch Covid-19 và phê duyệt của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát dưới 1,6%, các chỉ tiêu ROA, ROE tiếp tục được cải thiện.

“Các nền tảng đã sẵn sàng cho kế hoạch vươn xa của BIDV”, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết.

Được biết, đến hết quý I/2022, kết quả kinh doanh của BIDV rất khả quan, bám sát kế hoạch đề ra: Tổng tài sản đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với đầu năm; Dư nợ tín dụng đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,7%; Huy động vốn đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,3%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát ở mức 0,8%; Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt trên 277%; Lợi nhuận trước thuế đạt 4.513 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Tin liên quan
Tin khác