Tài chính - Chứng khoán
Biến đổi chủ tại công ty chứng khoán nhỏ, "miếng bánh" thị phần có được chia lại?
Thủy Triều - 10/10/2024 09:06
Trong vài tháng gần đây, trên thị trường liên tục xuất hiện tín hiệu đổi chủ ở một số công ty chứng khoán nhỏ. Liệu dòng vốn mới có giúp các công ty chứng khoán vừa và nhỏ có cơ hội trở mình.
Chỉ riêng 2 cá nhân này vừa mua vào và nắm 40,1% vốn của Công ty Chứng khoán Hải Phòng (mã cổ phiếu HAC).

Biến động cơ cấu cổ đông lớn

Mới đây, cá nhân bà Nguyễn Thị Hương Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) đã chi tiền gom cổ phần công ty, hiện trở thành cổ đông lớn nhất của SBBS.

Bà Hương Giang mới được bầu vào HĐQT và trở thành Chủ tịch HĐQT SBBS vào cuối năm 2023. Cũng trong thời gian này, bà Giang chi tiền mua đến 40,22% cổ phần của công ty từ phía cổ đông lớn của SBBS là Inter Pacific Securities Sdn Bhd (IPSSB) và ông Phương Anh Phát, thành viên ban kiểm soát SBBS.

Đến ngày 30/9/2024, bà Giang tiếp tục mua hết số cổ phần SBBS còn lại của IPSSB (13,33%). Nữ Chủ tịch này cũng là nhà đầu tư duy nhất mua 5 triệu cổ phần trong đợt chào bán 20 triệu cổ phiếu tăng vốn của SBBS.

Báo cáo mới nhất cho biết, hiện bà Giang sở hữu 60,19% cổ phần SBBS. Ngoài ra, SaigonBank vẫn còn giữ 9,43%, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 11,43% và bà Đinh Thị Thu Trang nắm 5,84%.

Theo báo cáo của SBBS, cuối tháng 6/2024, công ty chỉ có 16 nhân sự (giảm từ 22 người cuối năm 2023). Quy mô vốn cổ phần 300 tỷ đồng. SBBS liên tục thua lỗ, lỗ lũy kế ghi nhận 266 tỷ đồng tính đến cuối quý II vừa qua, ăn mòn gần hết vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Trong khi hoạt động của SBBS không có gì nổi bật, thì bà Hương Giang lại được biết đến là người sáng lập ứng dụng đầu tư Tititada. Website ứng dụng này cho biết, Tititada là đối tác chiến lược của VPBank Securities - Công ty chứng khoán thuộc VPBank.

Còn trên sàn chứng khoán, gần đây, một số công ty chứng khoán đã có những thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông như việc một công ty đầu tư tài chính mua hơn 17% cổ phần Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) từ ngày 16/09 đến 24/9 hay 2 cá nhân đã mua tổng cộng đến 40,1% vốn Chứng khoán Hải Phòng qua phương thức thỏa thuận ngày 25/9.

Tại VFS, bên mua là CTCP Đầu tư Tài chính Hòa An. Trên thực tế, từ phiên 12/9 đến nay, xuất hiện nhiều phiên giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn, điều hiếm khi xảy ra ở VFS. Đã có hơn 49,5 triệu cổ phiếu VFS được sang tay qua thỏa thuận từ ngày 12/9 đến nay, tương đương khoảng 41% vốn VFS.

CTCP Đầu tư Tài chính Hòa An là một trong những thành viên trong hệ sinh thái Amber Holdings. Chủ tịch HĐQT hiện tại của VFS - bà Nghiêm Phương Nhi cũng đồng thời là Chủ tịch CTCP Đầu tư Tài chính Hòa An và là Chủ tịch HĐQT Amber Capital. Trên thực tế, Amber Holdings đã đầu tư vào VFS từ năm 2017 và đưa công ty chứng khoán này liên tục gia tăng quy mô vốn. Việc một công ty thành viên trong Amber Holdings tham gia vào việc gia tăng cổ phần tại VFS khả năng cao là động thái cơ cấu lại khoản mục đầu tư tài chính của Amber Holdings. Gần đây, Amber Holdings hiện diện rõ nét hơn trong ban lãnh đạo của Eximbank với một số cá nhân có liên quan đến hệ sinh thái này.

“Game” đổi chủ tại Công ty Chứng khoán Hải Phòng (HAC) diễn ra có phần rõ ràng hơn. Trong một phiên giao dịch ngày 25/9/2024, hai cá nhân là Trần Anh Đức và Vũ Hoàng Việt đã mua lần lượt 15,23% và 24,87% cổ phần HAC. Như vậy, chỉ riêng 2 cá nhân này đã nắm 40,1% vốn HAC.

Trước đó, Chứng khoán Hải Phòng được biết đến là công ty có liên quan với Tập đoàn Hapaco. Tháng 8 vừa qua, ông Vũ Dương Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hapaco và cũng là Chủ tịch HAC thời điểm đó đã bán toàn bộ cổ phiếu HAC đang sở hữu. Cùng thời điểm, một số thành viên ban lãnh đạo cũng thực hiện thoái vốn. Còn Tập đoàn Hapaco đã thực hiện thoái hết vốn khỏi HAC từ tháng 5/2024.

Sau khi nhóm Hapaco rời khỏi HAC, công ty cũng đã thực hiện bầu lại Hội đồng quản trị. Hiện Chủ tịch HĐQT HAC là ông Ninh Lê Sơn Hải. Chứng khoán Hải Phòng là một công ty khá nhỏ với tổng tài sản hơn 279 tỷ đồng. Hiện HAC vẫn đang lỗ lũy kế hơn 31 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm nay, HAC mới lãi được hơn 7,7 tỷ đồng.

Chờ sự bùng nổ của dòng tiền mới

Hai năm gần đây, dòng vốn mới khiến một số công ty chứng khoán nhỏ bỗng chốc “lớn nhanh như Thánh Gióng”. 

Đơn cử như Công ty Chứng khoán Kafi hiện tại, chỉ 3 năm trước còn ít biết đến với cái tên Globalmind Capital, cho đến khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới là Công ty cổ phần Uniben - doanh nghiệp có liên quan đến ông chủ VIB Đặng Khắc Vỹ vào năm 2022.

Sau khi đổi chủ, từ một công ty vô danh với bức tranh tài chính vô cùng ảm đạm, Kafi được bơm vốn mạnh mẽ, từ vốn điều lệ vỏn vẹn 155 tỷ đồng năm 2021, chỉ sau 1 năm, vốn điều lệ tăng gấp 6 lần, đạt 1.000 tỷ năm 2022, tăng tiếp lên 1.500 tỷ năm 2023 và hiện đa tăng thành công lên 2.500 tỷ.

Tổng tài sản của công ty chứng khoán này cũng đã vượt qua mốc 10.000 tỷ đồng. Trong đó hơn 6.132 tỷ đồng nằm ở tài sản FVTPL, chủ yếu là Công cụ thị trường tiền tệ (Chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi có kỳ hạn) và Trái phiếu chưa niêm yết của Tổ chức tín dụng. Đặc biệt, dòng tiền mới giúp Kafi gia tăng hạng mục cho vay margin, giúp công ty này gia tăng đáng kể doanh thu từ cho vay và phải thu.

Thế trận thị trường chứng khoán vẫn đang nằm chủ yếu trong tay những ông lớn lâu năm như SSI, VNDirect, Vietcap… đồng nghĩa cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, “miếng bánh” ngày càng nhỏ hơn đối với những công ty chứng khoán top dưới. Nhưng đây cũng là cơ sở thúc đẩy các giao dịch chuyển nhượng, mua bán sáp nhập trong nhóm ngành này.

Thay vì việc thành lập một doanh nghiệp mới với nhiều thủ tục và điều kiện về vốn, cổ đông… thì việc thâu tóm một công ty chứng khoán nhỏ, ít hoạt động để tái cơ cấu được nhiều tổ chức lựa chọn. Với việc kinh doanh vốn và nhiều sản phẩm cần đến nghiệp vụ của công ty chứng khoán, tiêu biểu như tư vấn phát hành chứng khoán, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp… cùng chủ trương M&A và hạn chế mở mới công ty chứng khoán từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khiến thì việc đầu tư vào công ty chứng khoán hiện hữu không là điều khó hiểu.

Đặc biệt, khi xuất hiện làn sóng thâu tóm công ty chứng khoán như VPBank mua lại Chứng khoán ASC và đổi tên thành VPBank Securites, Public Bank mua lại RHB Việt Nam, KS Finance thâu tóm Chứng khoán Việt Nam Gateway, SeABank dự kiến mua Chứng khoán ASEAN… cho thấy nhu cầu cao trong việc hoàn thiện hệ sinh thái tài chính của các ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn.

Với không ít trường hợp thay máu thành công, dòng vốn mới giúp các công ty chứng khoán vừa và nhỏ có cơ hội trở mình, và bức tranh thị phần chứng khoán tương lai gần cũng có thể sẽ có nhiều thay đổi lớn.

Tin liên quan
Tin khác