Y tế - Sức khỏe
Biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn
D.Ngân - 15/07/2023 10:29
Tổ chức Y tế thế giới nhận định, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản.

Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền. 

Tổ chức Y tế thế giới nhận định, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023, ngoài ra hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế gửi công văn số 4295/BYT-DP đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai một số nội dung phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố giao UBDN các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7/2023; 

Duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. 

Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Đề nghị UBND tỉnh, thành phố giao Ngành y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương. 

Đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo việc rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả. 

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân;

Tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với ngành y tế tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như các biện pháp diệt muỗi, nằm màn, chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền, hướng dẫn người dân khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố giao các đơn vị chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của chính quyền các cấp để đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hiện tại, cả nước có hơn 34 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, từ đầu năm 2023 đến nay có 823 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động. Theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ...

Dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện vắc-xin phòng bệnh đang tiếp tục được đánh giá. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện vắc-xin phòng bệnh đang tiếp tục được đánh giá. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ: Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với sốt xuất huyết. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Ngoài việc chỉ định nhập viện đối với các trường hợp mắc sốt xuất huyết ở mức độ cảnh báo và mức độ nặng, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết ở mức độ 1, có 8 trường hợp cũng được xem xét chỉ định nhập viện, gồm: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng;

Gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người từ 60 tuổi trở lên; bệnh mạn tính đi kèm (như thận, tim, gan, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu, tan máu…).

Bộ Y tế cũng lưu ý, chỉ định truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau, đó là: Lừ đừ, không uống được nước, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, có dấu hiệu mất nước, Hct tăng cao (tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong máu tăng cao).

Tin liên quan
Tin khác