Người dân miền Tây lao đao vì thiên tai. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+ |
Theo văn bản Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong 5 nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trung bình mỗi năm có 457 người bị thương vong, thiệt hại 1,9 tỷ USD.
Do đó, ngày 15/4, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, nhằm đưa ra các kế hoạch hành động để giảm nhẹ rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường hiệu quả.
Chia sẻ tại buổi họp, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã thu được nhiều kết quả tích cực, song nước ta vẫn đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên; diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu đe dọa tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu.
Đơn cử như tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, từ đầu năm 2016 đến nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng đã và đang gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa lớn đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân.
“Với xu thế biến đổi khí hậu hiện nay, việc cần làm bây giờ là cần phải có sự tham gia vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trên cả nước vào công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,” Bộ Trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tại buổi họp, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trước hết phải dựa vào nhân dân, phải để người dân nhận thức được lợi ích của việc bảo vệ môi trường thì chương trình mới thực sự hiệu quả.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nước ta có nhiều tôn giáo với đặc thù, điều kiện sinh hoạt, tập quán khác nhau, nên các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện linh hoạt, chú trọng đến việc tạo điều kiện, môi trường để tín đồ của các tôn giáo phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các nội dung, giải pháp để tạo sức mạnh chung về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở đó, để chương trình hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng đề ra những nội dung cụ thể, trong đó chú trọng việc phối hợp cung cấp cho cộng đồng tôn giáo và dân cư kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu và thực trạng về ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên từng địa bàn dân cư.
Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo cũng cần phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng khác ở các cấp để vận động các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng dân cư thực hiện và giám sát việc thực hiện việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả.