Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích các tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trước mắt, toàn vùng phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng xâm nhập mặn, không nước ngọt, không có lũ hàng năm; phải xem đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội phát triển. Đồng thời, làm rõ các giải pháp, đề xuất các phương án cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, cực đoan, nhưng không hoang mang và cũng không chủ quan |
Nhiều đại biểu kiến nghị cụ thể về các mô hình thích ứng tạo hiệu quả sinh kế bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu. Trong đó, phải chủ động thay đổi phương thức sản xuất, lựa chọn mô hình phát triển, thay thế quy trình sản xuất cũ bằng mô hình phát triển phù hợp, dựa trên các mô hình kinh tế thuộc hệ sinh thái nước mặn, nước ngọt, nước lợ. Các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường liên kết, hoàn thiện các quy trình quản lý, phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải mong muốn thông qua hội nghị này, tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung được các Bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học giúp làm rõ nguyên nhân, cơ chế tác động của biến đổi khí hậu lên các lĩnh vực của đời sống, sản xuất, kinh tế, xã hội của vùng, để từ đó xác định các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu một cách khoa học, hiệu quả và bền vững; có các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất việc khai thác nước ngầm và các nguồn tài nguyên liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng không ảnh hưởng của cả hệ thống sinh thái và môi trường. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ nguồn lực để địa phương đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có khả năng ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững và hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, cực đoan, nhưng không hoang mang và cũng không chủ quan, cần phải thấy cơ hội trong thách thức hiện có của ĐBSCL hiện nay, ông đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổng hợp kết quả tại hội nghị để xây dựng báo cáo, kèm theo kiến nghị, đề xuất để báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành liên quan cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, để hoàn thiện các quy hoạch tổng thể và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phải cụ thể và sát với thực tế đến tận cấp huyện, trong đó chú trọng liên kết tiểu vùng, quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các chương trình, dự án, đề án, công trình được thực hiện phải sát thực với thách thức, tận dụng cơ hội của đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới phát triển bền vững; các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL cần nghiên cứu cập nhật những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu để đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho phù hợp, đồng thời giao Bộ KH-ĐT và Bộ Tài Chính nghiên cứu bố trí vốn cho chương trình thích ứng biến đổi khí hậu trong vùng hơn 22.000 tỉ đồng giai đoạn 2016- 2020- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.