Trạm đăng kiểm xe cơ giới số 50-17D vừa bị Cục Đăng kiểm Việt Nam tạm dừng hoạt động 3 tháng. |
Ngày 22/12, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam đã quyết định biệt phái 12 đăng kiểm viên đang công tác tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới số: 15-01V, 19-01V, 29-01V, 29-02V, 29-03V, 29-04V, 29-05V và 29-06V để hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM.
Theo đó, các đăng kiểm viên được biệt phái đều là người có trình độ, kinh nghiệm công tác nhằm hỗ trợ Phòng Kiểm định xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam theo dõi, giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc bằng hệ thống camera trực tuyến đặt tại phòng Kiểm định xe cơ giới; tham mưu thành lập các tổ công tác và tổ chức thực hiện hỗ trợ một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP.HCM nhằm thực hiện kiểm định kịp thời cho khách hàng, chống ùn tắc tại các đơn vị kiểm định.
Các đăng kiểm viên biệt phái còn có nhiệm vụ tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức thực hiện kiểm tra đột xuất một số trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc về thực hiện công tác kiểm định phương tiện và phòng chống tham nhũng, tiêu cực của trung tâm, nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm (nếu có).
Trước đó, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động toàn bộ trong thời gian ba tháng với 5 trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM và Sóc Trăng. Các trung tâm đăng kiểm bị tạm đình chỉ đều đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khám xét trong vụ án môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác tại chín trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ ở TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.
Tính đến cuối tháng 12/2022, cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, trong đó có 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp; 64 đơn vị thuộc các Sở GTVT và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện quản lý Nhà nước về đăng kiểm, tuy nhiên công tác kiểm định xe cơ giới lưu hành là lĩnh vực có tính xã hội cao, hoạt động rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp do đó vẫn tồn tại những bất cập, kẽ hở mà các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định.
Đáng lưu ý là việc bỏ quy định về việc các đơn vị đăng kiểm xây dựng và thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới các đơn vị đăng kiểm sau khi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ra đời đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, từ đó xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng.
Thậm chí một số đơn vị đăng kiểm đã có những hành vi thực hiện sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật hình sự.
Đăng kiểm viên là người làm thuê tại các đơn vị đăng kiểm tư nhân, do đó chịu ảnh hưởng, tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. Ngoài ra, để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê các đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa còn có nhiều hạn chế.