Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2901v (Hà Nội). |
Bỏ lọt công đoạn
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa công bố các kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đường bộ tại TP.HCM, Đồng Nai (Kết luận thanh tra số 3125/KL-TTR) và Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn (Kết luận thanh tra số 4908/KL-TTR).
- Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
Đây là hai đợt thanh tra có số lượng trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ “rơi” vào tầm ngắm lớn nhất từ trước đến nay, với tổng cộng 61 trung tâm đăng kiểm. Thời gian thanh tra được giới hạn từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm đoàn thanh tra bắt đầu vào cuộc (tháng 3 đến tháng 4/2021).
Trong các đợt thanh tra trên, Bộ GTVT đã tập trung “soi” rất kỹ các nội dung như: điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực của đơn vị đăng kiểm; thực hiện nội dung kiểm định xe cơ giới đường bộ; công tác nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, cấp giấy chứng nhận cải tạo; thực hiện chế độ báo cáo, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu kiểm định, công khai các nội dung theo quy định. Đây là những khâu được đánh giá là “nhạy cảm”, dễ xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm định phương tiện.
Theo đoàn Thanh tra Bộ GTVT, về cơ bản, các trung tâm đăng kiểm được thanh tra đã cơ bản chấp hành quy định của pháp luật về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với xe cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, một số trung tâm đăng kiểm vẫn có hàng loạt khiếm khuyết, vi phạm liên quan đến việc chấp hành quy định của pháp luật về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Cụ thể, tại đợt thanh tra các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại 4 tỉnh, thành phố phía Bắc, đoàn thanh tra phát hiện tại các trung tâm 1201D, 1202D (Lạng Sơn); 2901S, 2901V, 2902S, 2902V, 2903S, 2903V, 2904V, 2917D, 2921D, 3301S, 3302S (Hà Nội); 9801S, 9802D (Bắc Giang)…, một số đăng kiểm viên thực hiện không đúng nhiệm vụ được phân công khi kiểm tra các phương tiện.
Các trung tâm 2909D, 2921D (Hà Nội) có phụ trách dây chuyền kiểm định không ký xác nhận một số phiếu kiểm định theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Các trung tâm 2901V, 3301S (Hà Nội) có một số thời điểm thực hiện kiểm tra phương tiện trên dây chuyền kiểm định không đúng dây chuyền được bố trí để kiểm định thể hiện trên sổ phân công nhiệm vụ kiểm định và phiếu kiểm định.
Về vấn đề thực hiện nội dung kiểm định xe cơ giới đường bộ, thanh tra Bộ GTVT cũng phát hiện tại trung tâm 9801S (Bắc Giang) có đăng kiểm viên Hà Anh Đức không kiểm tra công đoạn 5 các phương tiện 98A-159.94, 29A-585.50, 98A-180.91 trong ngày làm việc 23/2/2021; đăng kiểm viên Lê Thế Hùng không kiểm tra công đoạn 5 phương tiện 98A-091.39; 30A-526.38; 15A-212.48…
Tại khu vực 2 tỉnh phía Nam là TP.HCM và Đồng Nai, tình trạng bỏ lọt công đoạn hoặc thực hiện sai quy trình đăng kiểm cũng diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, các đăng kiểm viên Nguyễn Trọng Nam (Trung tâm 5002S) không kiểm tra công đoạn 5 các phương tiện 50Z-8015, 51A-44.448, 51H-47.307, 51A-24.192 trong các ngày 18/2/2021, 23/2/2021; Nguyễn Đức Trúc (Trung tâm 5007V) không kiểm tra công đoạn 5 các phương tiện 29A-591.61, 73A-017.19, 67A-136.45, 51F-743.77, 76A-104.64 trong các ngày 22/2/2021, 24/2/2021...
Bộ GTVT đã yêu cầu đoàn thanh tra chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm của các đăng kiểm viên đến Thanh tra Sở GTVT 6 địa phương để xử phạt vi phạm hành chính về lỗi “không tuân thủ đúng quy định tại các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định” theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Cần tăng cường giám sát chéo
Một loại vi phạm được đoàn thanh tra Bộ GTVT ghi nhận khá nhiều tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ tại TP.HCM và Đồng Nai là camera giám sát hoạt động kiểm định không quan sát được đầy đủ các vị trí kiểm tra trên dây chuyền kiểm định hoặc hình ảnh giám sát không rõ nét.
Cụ thể, các đơn vị 5003S, 5004V, 5005V, CN5005V, 5007V, 6001S, 6005D, 6006D có camera giám sát hoạt động kiểm định không quan sát được hết các vị trí kiểm tra phương tiện trên dây chuyền kiểm định hoặc hình ảnh giám sát mờ, không rõ nét, khó quan sát.
Mặc dù Bộ GTVT không kết luận những tồn tại trên có dẫn tới những vi phạm, tiêu cực hay không, nhưng trên thực tế, đã xuất hiện không ít vụ đăng kiểm viên lợi dụng những “góc khuất” tương tự để nhận tiền của các chủ xe, làm sai lệch kết quả kiểm định.
Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số trung tâm đăng kiểm chưa quan tâm đến công tác tự kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định; một số đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập không thực hiện đúng nội dung, phương pháp kiểm tra phương tiện, thực tập kiểm tra phương tiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hầu hết là những lỗi vi phạm được lặp lại với tần suất khá cao trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là Cục Đăng kiểm Việt Nam không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo, nhất là tại một số trung tâm đăng kiểm tư nhân hoặc các trung tâm được cổ phần hóa.
Được biết, ngay sau khi Bộ GTVT ban hành Kết luận Thanh tra số 3125/KL-BGTVT, Sở GTVT TP.HCM đã có công văn đề nghị hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát và biện pháp chế tài đối với các trung tâm đăng kiểm nhằm tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm xe cơ giới.
Theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nội dung kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế về điều kiện, tiêu chuẩn và quản lý, sử dụng cán bộ đăng kiểm, đặc biệt trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Thành phố.
Việc này cho thấy, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm xe cơ giới đường bộ cần được tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng công tác công tác đăng kiểm xe cơ giới, đặc biệt vai trò cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương (Sở GTVT) cần được quy định cụ thể về thẩm quyền quản lý, nhằm thuận lợi trong việc chủ động, phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý, chế tài các vi phạm quy định tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang hoạt động trên địa bàn.
Song lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho rằng, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chưa có quy định hướng dẫn việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
“Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT xem xét, hướng dẫn việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của Nghị định 139 (trong đó có trách nhiệm và thẩm quyền của Sở GTVT). Đây là cơ sở pháp lý để Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đối với các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn theo quy định của Nghị định 139”, ông An đề xuất.