Nhiều đăng kiểm viên vi phạm
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa ký quyết định đình chỉ chức danh đăng kiểm viên (ĐKV) có thời hạn đối với 7 ĐKV; không công nhận kết quả thực tập nghiệp vụ của 6 ĐKV thực tập tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành do không tuân đúng quy trình đăng kiểm, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện theo quy định.
Quyết định này được đưa ra chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) công bố Kết luận thanh tra số 9699/KL - BGTVT về công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bào vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 33 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang.
Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là Cục Đăng kiểm Việt Nam đã không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo. |
Đợt thanh tra trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Bộ GTVT thực hiện này, được tập trung vào các nội dung: điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực của đơn vị đăng kiểm; công tác quản lý, sử dụng, bố trí đăng kiểm viên, đăng kiểm viên tập sự, nhân viên nghiệp vụ kiểm định; thực hiện nội dung kiểm định xe cơ giới đường bộ (lập hồ sơ phương tiện; kiểm định, đánh giá xe cơ giới; cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định...); công tác nghiệm thu, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, cấp giấy chứng nhận cải tạo; thực hiện chế độ báo cáo, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu kiểm định, công khai các nội dung theo quy định.
“Đây là những khâu dễ phát sinh tiêu cực nhất trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới - lĩnh vực có tác động lớn tới công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.
Trước đó, trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Bộ GTVT cho biết, từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 8/2018, bộ này đã thực hiện kiểm tra 57 lượt, đình chỉ 29 ĐKV và 3 dây chuyền kiểm định.
Cần phải xác định rằng, đăng kiểm là một trong những khâu quan trọng trước khi đưa phương tiện ra lưu thông an toàn, nên việc “ăn tiền, bơ lỗi” của ĐKV là không thể chấp nhận. Vào cuối năm 2017, đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhận được phản ánh (bằng tin nhắn và video) về việc nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 8104D (Gia Lai) bỏ qua nhiều lỗi sai phạm kỹ thuật trong quá trình kiểm định để nhân viên dán tem kiểm định nhận tiền của lái xe (từ 600.000 - 800.000 đồng). Điều đáng lưu ý là, những gì mà clip phản ánh lại đúng sự thật, các nhân viên trên khi dán tem đều tiếp xúc, đòi và đã nhận tiền của lái xe ngay trên cabin.
Trên thực tế, tại đợt thanh tra vừa được thực hiện, Bộ GTVT đã phát hiện nhiều “góc khuất” tại một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong việc chấp hành quy định của pháp luật về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Trung tâm 1701S và 6702S có hình ảnh kiểm tra phương tiện trong quá trình kiểm định tại thời điểm thanh tra không truyền trực tiếp ra màn hình tại phòng chờ kiểm định để chủ xe theo dõi hình ảnh kiểm tra xe; Trung tâm 1402D, 1701S, 1702D, 2003D, 4902S, 6501S, 6502S, 6502D, 6701S, 6702S, 7001S, 7002S, 7301S, 8302D, 8801S có camera IP để giám sát việc kiểm định xe cơ giới trên dây chuyền chưa bao quát được hết các vị trí, công đoạn kiểm tra phương tiện; Camera IP giám sát việc kiểm định xe cơ giới trên dây chuyền không hiển thị thời gian, hoặc thời gian hiển thị không đúng thời gian thực tại các trung tâm 2001S, 2002S, 3402D .
Mặc dù Thanh tra Bộ GTVT không kết luận những tồn tại nói trên có dẫn tới những vi phạm, tiêu cực hay không, nhưng trên thực tế đã xuất hiện không ít các vụ ĐKV lợi dụng những “góc khuất” tương tự để nhận tiền của các chủ xe làm sai lệch kết quả kiểm định.
“Vá” lỗ hổng quy định
Liên quan đến việc thực hiện các nội dung kiểm định xe cơ giới, thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện một số trung tâm chưa thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng ĐKV như để ĐKV thực hiện không đúng nhiệm vụ được phân công, để người không là ĐKV thực hiện kiểm tra phương tiện, để người không có nhiệm vụ vào dây chuyền kiểm định khi ĐKV kiểm tra phương tiện; một số ĐKV không tuân thủ đúng nội dung, phương pháp khi kiểm tra phương tiện; có trung tâm thực hiện kiểm định phương tiện vượt quá số lượng quy định trong một số ngày.
Cụ thể, trong Kết luận thanh tra số 9699, Bộ GTVT cho biết, các trung tâm 1403D, 2003D, 3402D, 4901S, 7301S, 7302D, 8301V có ĐKV thực hiện kiểm tra công đoạn 1, hoặc công đoạn 5 một số phương tiện không đúng nội dung, phương pháp kiểm tra theo quy định tại Thông tư số 70/2015/TT - BGTVT và có tới 7 ĐKV tại nhiều trung tâm đăng kiểm vi phạm quy định này. Trung tâm 2002S và 2003D để người không có nhiệm vụ vào khu vực dây chuyền kiểm định khi đăng kiểm viên kiểm tra công đoạn 3; Trung tâm 2003D, trong một số ngày có số lượng xe cơ giới được kiểm định trên dây chuyền kiểm định loại II vượt quá số lượng phương tiện quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 20 Nghị định số 63/2016/NĐ - CP.
Đối với công tác nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện - Trung tâm 1401D có ĐKV nghiệm thu, kiểm tra xe cơ giới cải tạo đối với một số phương tiện khi chưa có đủ thông tin về kích thước kết cấu thùng hàng, kích thước các thanh gia cường; Trung tâm 3602S không thực hiện lưu trữ hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT.
Đặc biệt, qua kiểm tra tại các Trung tâm: 2001S, 2002S, 3601S, 3602S, 4901S, 4902S, 4903S, 7301S, 7302D, 8801S, Thanh tra Bộ GTVT ghi nhận việc có phụ trách dây chuyền kiểm định chưa được tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm bổ nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 63/2016/NĐ - CP; Trung tâm 1702D có người đứng đầu đơn vị đăng kiểm chưa đảm bảo thủ tục về pháp lý trong việc bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị đăng kiểm theo quy định tại khoản 2, Điều 19, Nghị định số 63/2016/NĐ - CP. Bên cạnh đó, các Trung tâm: 1401D, 1402D, 1403D có trường hợp người ký hồ sơ kiểm định, phiếu kiểm định không phải người được phân công bằng văn bản là lãnh đạo đơn vị hoặc phụ trách dây chuyền kiểm định; các Trung tâm: 6502S, 8302D có lãnh đạo phụ trách dây chuyền kiểm định và một số ĐKV không ký sổ phân công nhiệm vụ kiểm định trong một số ngày.
“Để xảy ra các tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc về giám đốc, người đứng đầu đơn vị đăng kiểm, phụ trách dây chuyền kiểm định có sai phạm”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, do đây hầu hết là những lỗi vi phạm mang tính kinh điển, lặp lại với tần suất khá cao trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đã cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này là Cục Đăng kiểm Việt Nam đã không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo.
Cũng tại Kết luận thanh tra số 9699, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Thông tư số 42/2012/TT - BGTVT ngày 16/10/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm theo hướng cập nhật các quy định tại Nghị định số 63/2016/NĐ - CP, Thông tư số 51/2016/TT - BGTVT, bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, như: để người không đảm bảo điều kiện thực hiện kiểm tra phương tiện, kiểm định quá số lượng phương tiện trong một ngày, tổ chức hướng dẫn thực tập kiểm tra phương tiện không đúng quy định, camera IP giám sát hoạt động kiểm định không bao quát hết các được các vị trí, công đoạn kiểm tra phương tiện trên dây chuyền kiểm định.