Sau khi Metro Cash & Carry Việt Nam chính thức về tay TCC của Thái Lan, với giá trị thương vụ 655 triệu Euro (tương đương với 879 triệu USD), hiện trong giới bán lẻ Việt Nam đã có những đồn đoán rằng Central Group của gia đình tỷ phú giàu nhất Thái Lan Tiang Chirathivat sẽ hoàn tất việc mua lại chuỗi Big C trong quý I/2016. Trị giá thương vụ, theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài sẽ vào khoảng 750 triệu Euro.
Tuy nhiên, cả đại diện Central Group tại Việt Nam và Big C Việt Nam đều khẳng định, chưa có bất cứ thông tin nào liên quan đến thương vụ này.
Big C là siêu thị bán lẻ có thâm niên trên thị trường Việt Nam, được định giá tới 750 triệu Euro |
“Kể từ sau khi có thông tin việc phía Tập đoàn mẹ Casino ở Pháp lên kế hoạch bán Big C Việt Nam, cho đến nay, chúng tôi chưa có thông tin mới về tiến triển của kế hoạch tiếp theo”, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông Big C cho biết. Trong khi đó, đại diện Central Group cũng khẳng định, đây chỉ là tin đồn.
Tuy nhiên, lật lại đường đi nước bước của các đại gia bán lẻ Thái Lan trong vài năm trở lại đây ở thị trường Đông Nam Á cho thấy, nhiều khả năng những lời đồn đoán trên sẽ thành sự thật.
Cả Berli Jucker Public Company Limited (BJC) thuộc TCC và Central Group đều hạ quyết tâm sẽ tập trung vào Việt Nam, nơi được đánh giá là sẽ có được mức tăng trưởng GDP nhanh hơn các nước khác trong khu vực trong thời gian tới. Vì thế, không loại trừ khả năng BJC lại tiếp tục muốn mua lại Big C. Đặc biệt, trước đó ông Aswin Techajareonvikul, Giám đốc điều hành, Chủ tịch BJC ở Việt Nam đã khẳng định, việc thâu tóm Metro Cash & Carry Việt Nam chỉ là bước đầu tiên của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.
Đến năm ngoái, sau khi mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart trong liên doanh Phú Thái và Family Mart (Nhật Bản), đổi tên thành B’mart, BJC đã có 95 cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam. Việc mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam là bước đi nhằm tiếp tục phát triển thị trường và mạng lưới bán hàng này.
Trong khi đó, Central Group đang đi theo một chiến lược kinh doanh khác. Tập đoàn này đã tiến hành mua lại chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim thông qua chi nhánh Power Buy của mình để sở hữu kênh bán lẻ điện máy chuyên biệt. Central Group hy vọng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính của Power Buy, Nguyễn Kim sẽ phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Việc này cũng sẽ giúp Power Buy trở thành một tay chơi lớn trong khu vực ASEAN trong tương lai. Cùng với đó, Central Group tự mở trung tâm mua sắm hiện đại Robins Department Store ở Hà Nội và TP.HCM để phân phối hàng tổng hợp, như hệ thống thời trang SuperSports, Crocs và New Balance.
Tuy nhiên, việc tự đầu tư từ đầu các trung tâm mua sắm này không thể giúp Central Group bén rễ nhanh ở thị trường Việt Nam, nếu không mua lại các nhà bán lẻ lâu năm trên thị trường như Big C. Hiện Big C vẫn là tên tuổi đình đám, nằm trong tốp các nhà bán lẻ lớn khi sở hữu 32 siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều nhất hiện nay trên thị trường Việt Nam. Trước đó, Central Group cũng đã từng đàm phán để mua lại chuỗi siêu thị điện máy Pico nhưng bất thành.
Ngoài ra, Central Group còn tập trung mở thêm các hệ thống trung tâm thương mại tại nhiều khu vực biên giới với các nước láng giềng. Họ đã tính cả tới việc mở các trung tâm gần biên giới Myanmar để thu hút thêm khách từ phía Nam Trung Quốc và các trung tâm gần biên giới Lào để thu hút thêm khách Việt Nam.
Với Central Group, sức mua của 300 triệu người tại các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam sẽ giúp kích thích dòng tiền chi tiêu, đa dạng hóa nguồn thu, bù đắp chi tiêu của người tiêu dùng nội địa Thái Lan đang ngày càng yếu kém.
Trong cuộc đua thâu tóm Big C lần này, có tên tuổi Việt Nam được nhắc đến là Vingroup. Với giá trị thương vụ được dự tính như vậy, Vingroup là ứng cử viên sáng giá nhất. Song ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, chỉ có 10-20% cơ hội cho đại diện Việt Nam chen chân vào kế hoạch chuyển nhượng nói trên. Tuy nhiên, khi các bên đều im hơi lặng tiếng cho thương vụ ồn ào này, biết đâu đấy thị trường sẽ xảy ra thế cờ chẳng ai ngờ tới.
Và nếu thế cờ một lần nữa lại thuộc về tay người Thái, thì thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam thật sự nhuốm màu “sắc Thái”.