Thông báo đóng cửa Big C miền Đông- siêu thị được khai trương từ ngày 18/04/2009 (Ảnh: Nld). |
Thông báo được soạn ngày 1/06 và dán tại Big C miền Đông vào sáng 2/6, nhưng ngay sau đó được gỡ.
Cụ thể, thông báo đưa ra lý do đóng cửa đến từ việc không đạt được các yêu cầu về về giá thuê mới từ các bên cho thuê.
Central Retail Việt Nam là đơn vị quản lý vận hành Big C cho rằng, “các đề xuất mới của bên cho thuê khiến chúng tôi không thể thực hiện được cam kết giá thấp cho người tiêu dùng” nên phải dừng hoạt động chi nhánh Big C miền Đông.
Một số nhà cung cấp hàng hóa cho Big C vừa nhận được thông báo từ Central Retail tuy nhiên lo ngại ảnh hưởng đến doanh thu vì lượng hàng được tiêu thụ có thể giảm.
Central Retail khẳng định các nhân viên tại chi nhánh này sẽ được điều chuyển đến làm việc tại chi nhánh khác.
Theo nghiên cứu của Euromonitor International dựa trên giá trị ước tính của doanh số bán hàng năm ngoái, cho thấy Central Group có trụ sở ở Thái Lan đứng thứ năm trong số 10 công ty hàng đầu trong ngành bán lẻ Việt Nam, với doanh thu 684 triệu USD (năm 2019), trong khi năm 2018 là 728 triệu USD.
Tính đến ngày 30/9/2019, Central Group đã vận hành 1.922 cửa hàng trên 51 tỉnh ở Thái Lan và 133 cửa hàng trên 40 tỉnh ở Việt Nam, theo trang web của Central.
Euromonitor xếp Tập đoàn Central vào một trong 10 công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam, bên cạnh hàng loạt doanh nghiệp tư nhân khác như Thế giới di động, Vingroup, PNJ...
Tốp 10 công ty bán lẻ dẫn đầu Việt Nam (Nguồn: Euromonitor). |
Central Group duy trì sự hiện diện tại Việt Nam sau khi chi hàng tỷ USD vào các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam - thị trường lớn nhất ở nước ngoài của họ.
Năm 2017, Việt Nam đóng góp khoảng 13% tổng doanh thu của Central.
Theo Bangkok Post, Central đang thực hiện mục tiêu chào bán lần đầu ra công chúng trong quý đầu năm nay, với giá trị dự kiến là 61 tỷ baht (1,87 tỷ USD).
Tuy nhiên, con đường cho Central Group vẫn còn gập ghềnh do đại dịch Covid-19 vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin.