Vật liệu - công nghệ
BIM - giải pháp quản lý hiệu quả công trình
- 10/12/2014 10:10
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Mô hình hóa thông tin công trình cho nhà thầu xây dựng
Chọn giải pháp BIM tối ưu cho nhà thầu xây dựng
   
  Dự án Cầu Rào 2 nhờ áp dụng BIM đã tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng  

Điều 4 và Điều 66, Luật Xây dựng sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, đã đặt ra yêu cầu áp dụng hệ thống thông tin công trình và tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động đầu tư xây dựng để quản lý công trình. Đây là bước đi nhằm hiện thực hóa các mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hiện tồn tại thực tế là, nhiều công trình chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần, khi đưa vào sử dụng lại không phát huy được hiệu quả như mong muốn, hoặc không đồng bộ với các công trình liên kết, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Vì thế, việc tìm giải pháp để quản lý dự án hiệu quả ngay từ công đoạn quy hoạch, lập kế hoạch, công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn vốn đầu tư và giúp giải ngân nhanh dòng tiền, đang thu hút sự quan tâm từ phía các cơ quan hữu trách lẫn các công ty tư vấn, nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Ông Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch Hội Tin học xây dựng Việt Nam cho hay, không chờ tới khi Luật Xây dựng sửa đổi có hiệu lực, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và tư vấn đã âm thầm triển khai hệ thống thông tin công trình (BIM - Building Information Modeling) để quản lý dự án đầu tư xây dựng. Các tên tuổi có thể kể tới là Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (Hòa Bình Corp.), hay Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC). Thông qua BIM, toàn bộ các đối tượng tham gia dự án, không kể đó là cơ quan quản lý nhà nước ở các bộ, ngành, hay địa phương, nơi có dự án triển khai, mà cả chủ đầu tư, các nhà thầu triển khai lẫn những tổ chức tài chính ngân hàng, hoặc cộng đồng xung quanh, đều có thể trao đổi thông tin hoặc theo dõi, giám sát dự án một cách dễ dàng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng.

Đặc biệt, các dữ liệu thông tin về dự án cũng là cơ sở quan trọng giúp cho việc lập kế hoạch phân bổ vốn trung, dài hạn, đánh giá hiệu quả đầu tư của công trình từ phía cơ quan nhà nước để có các cân đối phù hợp. 

Với thực tế nhiều công trình xây dựng có thời gian triển khai dài, có biến động không nhỏ về nhân sự quản lý trong các khâu thi công, việc áp dụng hệ thống BIM còn mang lại lợi ích không nhỏ trong quá trình thanh quyết toán công trình. Đó là bởi thông qua BIM, các nhà thầu có thể quản lý khoa học, lưu giữ kịp thời hồ sơ, chứng từ liên quan ngay từ khi dự án bắt đầu, dẫn tới việc đáp ứng nhanh, đầy đủ giấy tờ của các phần việc đã thi công - một điều kiện tiên quyết để chủ đầu tư giải ngân nhanh cho nhà thầu.

Tại Dự án Cầu Rào II có tổng mức đầu tư 661 tỷ đồng, trong đó khoản vay vốn ODA Phần Lan là 24,45 triệu EUR (600 tỷ đồng), bà Trần Thị Minh Thu, Trưởng nhóm Thiết kế tại Việt Nam của Công ty MTHojgaard (Đan Mạch) cho hay, mô hình 3D giúp cho tất cả các bên tiết kiệm thời gian một cách đáng kể. MTHojgaard đã thực hiện nhiều buổi họp trực tuyến với các bộ phận từ các nước khác nhau và trao đổi thông tin trên mô hình dự án đã sử dụng.

Dự án Cầu Rào II sử dụng BIM cho thiết kế bản vẽ thi công kết cấu bê tông cốt thép, kết cấu thép và trao đổi thông tin giữa các bộ phận công trường, văn phòng thiết kế. Các phiếu yêu cầu thông tin được phản hồi nhanh chóng cho nhà thầu tại công trường dựa trên mô hình 3D. Việc thiết kế trên mô hình 3D BIM đã giúp nhà thầu tránh được các xung đột giữa cốt thép và các kết cấu chờ, giữa cốt thép và kết cấu thép, bản vẽ thiết kế chính xác, đầy đủ, đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ.

Tại Dự án Cầu Cao Lãnh quy mô 145 triệu USD, sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của phía Việt Nam, nhà thầu là Công ty VTCO cũng quyết định đầu tư nghiên cứu về công nghệ BIM để giúp xây dựng mô hình chính xác, chi tiết tất cả các bộ phận của kết cấu công trình cầu (cốt thép, chi tiết chờ).

Chia sẻ thực tế này, ông Quang cho biết, để giúp các bên liên quan có thêm kinh nghiệm trong quá trình áp dụng BIM, tại Triển lãm Công nghệ xây dựng (VietConstech 2014), diễn ra từ ngày 10 đến 13/12/2014, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội, do Bộ Xây dựng tổ chức, Hội Tin học xây dựng Việt Nam sẽ phối hợp với các hội viên trình bày một số giải pháp liên quan đến ứng dụng hệ thống BIM trong quản lý dự án đầu tư, thiết kế cơ sở hạ tầng.

Tự tin với chất xám Việt Nam đã được khẳng định trong công nghiệp phần mềm, ông Quang cũng cho biết, không kể tới lợi thế giá cả, phần mềm nội địa còn có ưu điểm là được Việt hóa theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, có đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (TCVN) cũng như chế độ kế toán Việt Nam, giúp các nhà thầu cũng như chủ đầu tư đưa ra các giải pháp triển khai phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác