Mặc dù được thế giới ghi nhận nhưng thực tế cho thấy, Việt Nam cần phải làm nhiều việc để cân bằng lợi ích bình quyền giữa nam và nữ. |
Theo báo cáo, Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và được xếp ở nhóm các quốc gia có bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới năm 2016. Tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam được cải thiện nhanh thể hiện ở các chỉ số phát triển giới (GDI), chỉ số khoảng cách giới (GGI) và chỉ số bất bình đẳng giới (GII) đều ở mức khá tốt.
Cụ thể, báo cáo phát triển con người năm 2016 đã chỉ ra, chỉ số GII của Việt Nam là 0,337, xếp thứ 71/188 quốc gia; chỉ số GGI là 0,700 xếp thứ 65/183 quốc gia và chỉ số GDI là 1,010 thuộc nhóm 1 trong 5 nhóm (188 quốc gia) xếp hạng về bình đẳng giới trong giá trị chỉ số phát triển con người.
Riêng trong lĩnh vực tham chính, tỷ lệ nữ Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và đứng thứ 2 khu vực ASEAN).
Liên quan tới tỷ lệ lao động nữ tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động đã đạt trên 70%; tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và chủ cơ sở kinh doanh đạt 31,6%. Các chỉ số phát triển giới, chỉ số khoảng cách giới và chỉ số bất bình đẳng giới đều đạt ở mức trung bình cao.
Tuy nhiên, bà Hà cũng chỉ ra, thách thức là sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới 5 điểm phần trăm; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công… Có tới 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp... Nữ chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng quản trị doanh nghiệp và gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức.
Nhìn từ thực tế, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo đều không đạt kỳ vọng.
“Tỷ lệ nữ cấp ủy từ trung ương đến địa phương không tăng mấy, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội không tăng lắm, tỷ lệ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp cũng không tăng. Giáo dục có tăng nhưng vấn đề bình đẳng trong gia đình, câu chuyện bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em gái, bạo lực học đường, cân bằng giới khi sinh…là những vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ”, ông Lợi nói.
Trong khi đó ở khía cạnh lao động, báo cáo của UNWomen đã chỉ ra, ở Việt Nam, số phụ nữ hiện đang làm những công việc có khả năng sẽ bị chuyển sang tự động hóa cao gấp 2,4 lần so với nam giới.
Một nghiên cứu khác của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng đưa ra con số 86% lao động làm công ăn lương của Việt Nam tại các ngành dệt may, quần áo và giầy dép (những ngành chủ yếu sử dụng lao động nữ) có thể bị mất việc làm do ứng dụng các tiến bộ công nghệ. Trong khi đó, hiện Việt Nam có tới 79% lao động chưa qua đào tạo.
Trước thực tế này, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) khẳng định, Bộ Lao đông Thương binh và Xã hội đang sửa đổi Luật Lao động trong đó có tính tới cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến việc sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp giữ lại việc làm, giảm sa thải lao động.
Ông Vinh cũng khẳng định, ngay cả trong trường hợp người lao động bị sa thải, hệ thống dạy nghề cũng sẽ cung cấp các gói dịch vụ đào tạo ngắn cung cấp kỹ năng, kiến thức mới đảm bảo người lao động có thể cập nhật kiến thức để tiếp tục làm công việc mới.