Hội nghị vùng kinh tế miền Trung do Bình Định đăng cai dự kiến sẽ được tổ chức ngày 20/8 tại TP Quy Nhơn. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tại Hội nghị này, đại diện các địa phương vùng kinh tế miền Trung, Bình Định sẽ kiến nghị lên Chính phủ các nhóm vấn đề như: sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc Nam trong đó có đoạn Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên; đầu tư cao tốc nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên, trước mắt là đoạn Bình Định – Gia Lai; sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống Đường ven biển, có cơ chế hỗ trợ vốn phù hợp với khả năng của địa phương, đảm bảo khả thi việc triển khai đầu tư xây dựng (trung ương hỗ trợ tối thiểu 70% tổng mức đầu tư).
Qua Hội nghị, Bình Định cũng sẽ đề nghị Trung ương ban hành chính sách để đầu tư các Cảng cá và Khu neo đậu tàu thuyền cho các tỉnh duyên hải miền Trung (Trung ương hỗ trợ tối thiểu 70% tổng mức đầu tư).
Tại Hội nghị Vùng kinh tế miền Trung sắp tới, Bình Định sẽ kiến nghị lên Chính phủ về 4 dự án hạ tầng quan trọng của tỉnh. |
Riêng với tỉnh Bình Định, theo ông Hồ Quốc Dũng, để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương hoàn thành các thủ tục đầu tư, thu hút được các nhà đầu tư thực hiện các dự án có quy mô lớn để tạo ra sự đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh, Bình Định sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đã được Thủ tướng phê duyệt, phân cấp lại cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Becamex - Bình Định trong Khu Kinh tế Nhơn Hội.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh, Bình Định đề nghị Chính phủ bổ sung quy hoạch cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong các năm sắp đến và phù hợp với định hướng quy hoạch của tỉnh.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án ngừng hoạt động tuyến đường sắt Diêu Trì – Quy Nhơn và di dời ga Quy Nhơn ra khỏi thành phố Quy Nhơn, tạo điều kiện để tỉnh Bình Định triển khai đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch được duyệt; mở rộng không gian đô thị thành phố Quy Nhơn, tiến hành chỉnh trang đô thị, tăng cường kết nối cảng Quy Nhơn với các khu vực giao thông đầu mối trong khu vực và cả nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, để Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa sớm được triển khai xây dựng, Bình Định cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, thu hút, phát triển nguồn nhân lực, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất... như khu công nghệ cao; đồng thời cho cơ chế, chính sách để hình thành một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học tại Khu đô thị Khoa học này (thành lập Viện nghiên cứu Y dược học từ việc chuyển một phần hoạt động của Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, trường Đại học Khoa học ứng dụng...) và các chính sách hỗ trợ khác cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Bình Định.