Bảng so sánh chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Định trong 4 tháng của năm 2022 và 2023. Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Định. |
Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết, trong những năm qua, sản xuất công nghiệp luôn được xem là động lực chính của nền kinh tế tỉnh này. Tuy nhiên, trong năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), cả 4 tháng liên tiếp chưa vượt qua mức tăng trưởng 2% (tháng 1 giảm 6,46%; cộng dồn 2 tháng giảm 0,17%; cộng dồn 3 tháng tăng 0,94%; cộng dồn 4 tháng tăng 1,27%).
Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây của tỉnh Bình Định. Điều này cho thấy, sản xuất công nghiệp đang gặp khó khăn và dự báo các doanh nghiệp sẽ còn đối mặt nhiều thách thức trong thời gian đến.
Ngoài ra, chỉ số một số ngành sản xuất của tỉnh Bình Định cũng ghi nhận giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,91%, trong đó, khai thác quặng kim loại giảm 29,92% (nguyên nhân hết nguyên liệu sản xuất). Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,27%, trong đó, sản lượng điện sản xuất giảm 0,27%, điện thương phẩm giảm 4,95% do các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, nhất là đối với các đơn vị sản xuất bàn, ghế gỗ
Tuy nhiên, tình hình sản xuất của một số ngành chủ yếu của tỉnh Bình Định cũng ghi nhận có sự tăng trưởng. Trong đó, nhóm ngành sản xuất trang phục tăng mạnh 19,78%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng mạnh 29,49%.
Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho hay, đây là hai ngành có sự tăng trưởng tốt nhất trong các ngành công nghiệp của tỉnh. Song, thời gian đến các đơn hàng sẽ bị giảm dần, một số doanh nghiệp chế biến dăm gỗ chưa có đơn hàng mới, hàng tồn kho cao phải tạm ngừng sản xuất.
Về kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023, trong 5 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Bình Định (chiếm 88,2% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), ngoài mặt hàng dệt may có kim ngạch tăng (tăng 8,3%), các sản phẩm còn lại (thủy sản, sản phẩm từ chất dẻo, gỗ, sản phẩm gỗ) đều giảm so với cùng kỳ.
Nhóm ngành chế biến thủy sản (sản phẩm phi lê cá, tôm đông lạnh) và sản xuất giường tủ bàn ghế là 2 ngành chủ lực của tỉnh Bình Định nhưng xuất khẩu đang giảm mạnh, tác động lên chỉ số sản xuất công nghiệp.
Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bình Định đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu, nhưng nay xuất cầm chừng chờ đơn hàng. Hàng thủy hải sản ước xuất khẩu 35,8 triệu USD, giảm 34,7% so cùng kỳ, chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu.
Tương tự, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 146,3 triệu USD, giảm 30% so cùng kỳ. Dự báo, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định càng thêm khó khăn, đơn hàng bị thiếu nên các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng đến kỳ nghỉ hè của ngành chế biến gỗ.
Sản phẩm từ chất dẻo ước đạt 66,8 triệu USD, giảm 22,3% so cùng kỳ, các công ty sản xuất bàn ghế nhựa giả mây có dấu hiệu bão hòa và chững lại do người dân các nước thắt chặt chi tiêu vì lạm phát tăng cao…
Trước đó, tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023, UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian này như hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp gặp khó khăn; công tác thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài còn hạn chế; ông tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm còn chậm…
Về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh các tháng tiếp theo, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó để mở rộng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư; tập trung cho phát triển du lịch, các dự án du lịch, đặc biệt là trên địa bàn Quy Nhơn.
Tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng mặt hàng xuất khẩu; rà soát các sản phẩm OCOP để thực hiện cho xuất khẩu…