Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định triển khai nhiều dự án xây dựng, đặc biệt các dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước có quy mô nhỏ thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
UBND tỉnh Bình Định cho rằng, theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, các dự án có chiếm dụng vĩnh viễn đất lúa đều thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể là trên 10 ha thuộc dự án nhóm I, thẩm quyền thẩm định ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường và dưới 10 ha thuộc dự án nhóm II, thẩm quyền thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND cấp tỉnh.
Trước đây, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các dự án đầu tư xây dựng: Nhà làm việc, Trạm điện, Công viên cây xanh, Tuyến đường ôtô cấp kỹ thuật (dưới 05 km)… thì không phải thực hiện hồ sơ môi trường và các dự án có quy mô nhỏ: Tuyến đường ôtô cấp kỹ thuật (dưới 10 km), Hạ tầng khu dân cư, đô thị (dưới 05 ha)… không thuộc đối tượng lập ĐTM.
Tuy nhiên đến nay, theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nếu các dự án này có chiếm dụng vĩnh viễn diện tích đất lúa và yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa (cho dù chỉ từ 1 m2) cũng phải lập ĐTM. Do đó, trong năm 2022, tỉnh Bỉnh Định phát sinh hàng trăm dự án với quy mô này.
Qua thực tế triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định nhận thấy, các dự án với quy mô nhỏ nêu trên không tác động đáng kể đến môi trường tự nhiên và xã hội nhưng việc bắt buộc phải lập ĐTM sẽ gây phiền hà, thêm nhiều thủ tục cho chủ đầu tư, làm chậm tiến độ đầu tư dự án.
Đồng thời, trong thời điểm hiện nay, do việc tinh giảm biên chế theo quy định nên nhân lực cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh giảm. Vì vậy, với khối lượng công việc ngày càng nhiều thì việc thẩm định ĐTM cho các đối tượng nêu trên, trong đó có nhiều dự án khu tái định cư phục vụ Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam có yêu cầu khẩn trương về tiến độ đã gây quá tải cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
Trong khi đó, việc đánh giá việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa đã được đánh giá cụ thể trong Quy hoạch tỉnh nên việc đánh giá nhỏ lẻ cho từng dự án là không cần thiết.
Đồng thời, nếu các dự án có quy mô nhỏ nêu trên nếu thuộc đối tượng quy định tại Điều 39, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì sau bước lậpĐTM, các dự án này phải lập Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường (kể từ khi Giấy phép môi trường có hiệu lực thì quyết định phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM hết hiệu lực theo quy định tại khoản 6, Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Từ các nội dung trên, UBND tỉnh Bình Định kính đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo Chính phủ điều chỉnh quy định tại số thứ tự 6, mục II, phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ (dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa thuộc thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai) phù hợp với thực tiễn (chỉ quy định đối tượng dự án lập ĐTM khi dự án có chiếm dụng và yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất lúa từ 10 ha trở lên).