Đầu tư
Bình Định tạo đột phá về hạ tầng kết nối
Việt Hương - 05/02/2023 08:47
Thời gian gần đây, nhiều người ngạc nhiên trước diện mạo mới của Bình Định khi quay trở lại địa phương này. Có được điều đó là nhờ Bình Định hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về quy hoạch, phát huy nội lực và có được những doanh nghiệp uy tín…
Bình Định “trả lại” không gian hướng biển để kích hoạt ngành kinh tế mũi nhọn về du lịch Ảnh: Nguyễn Dũng

Cụ thể hóa “5 trọng tâm, 3 nhiệm vụ và 4 vấn đề”

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, để sớm cùng các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Định đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình.

Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trọng tâm là 5 trụ cột kinh tế). Bình Định tập trung xây dựng mới Đề án Phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt; xây dựng Bình Định trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của Vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển (trọng tâm là đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội) và tiếp tục liên kết với các tỉnh trong Tiểu vùng Trung Trung Bộ, Tiểu vùng Nam Trung Bộ và đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Nguyên để hình thành các tiểu vùng kinh tế, tạo mối liên kết phát triển bổ sung lẫn nhau.

Hạ tầng giao thông là yếu tố sống còn đối với bất kỳ địa phương, vùng kinh tế nào. Trong chiến lược phát triển của mình, Bình Định lựa chọn giao thông “đi trước, mở đường” cũng chính là chìa khóa tạo nên sự thành công hôm nay.

- Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định


Đồng thời, để phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế trong vùng, nhất là Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Bình Định với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng Quy Nhơn; đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế.

Xây dựng Bình Định thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với 3 trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, lịch sử. Trong đó, trọng tâm là xây dựng thành phố Quy Nhơn hiện đại, mang bản sắc riêng, xứng đáng là trung tâm văn hóa phía Nam của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư - kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, tỉnh Bình Định đề xuất với Trung ương, các địa phương trong vùng một số nhiệm vụ về việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, sử dụng nguồn lực phát triển (đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông suốt).

Bình Định cũng đề xuất Trung ương tạo động lực thúc đẩy liên kết - phát triển vùng, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cho phát triển, đề nghị sớm ban hành quy hoạch vùng, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng. Trong đó, Bình Định nhấn mạnh các chính sách đầu tư cho hạ tầng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản phục vụ quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, sớm cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông theo trục Bắc - Nam như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc, đề nghị Trung ương quan tâm, sớm đầu tư các trục giao thông theo hướng Đông - Tây, hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây để kết nối với các tỉnh Tây Nguyên nhằm phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng ra biển của các tỉnh trong vùng.

Ông Hồ Quốc Dũng cho biết, Bình Định kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đầu tư đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển (trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku) trước năm 2025; cho chủ trương thực hiện Dự án Nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát vào Chương trình hành động (bao gồm đường cất, hạ cánh thứ hai và mở rộng nhà ga, sân đỗ) và bổ sung quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế.

Đồng thời, theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, với mục tiêu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong thời gian tới với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9 - 9,5%/năm, Bình Định đề nghị Trung ương ủng hộ thực hiện một số dự án chủ lực như Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Đức), Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn của Tập đoàn Long Sơn, cũng như hỗ trợ Bình Định xây dựng Đề án Phát triển thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng.

Đột phá từ đầu tư phát triển hạ tầng

Những năm gần đây, Bình Định là điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công khi đã hoàn thành giải ngân 100% vốn phân bổ (hơn 6.000 tỷ đồng) của năm 2021; 93,6% năm 2022. Đây là năm thứ ba liên tiếp, địa phương này dẫn đầu khu vực về giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, các công trình, dự án được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục…

Cụ thể, Bình Định hoàn thành 3 tuyến đường kết nối Tây - Đông. Đó là các tuyến Quốc lộ 19 mới, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1, dài gần 18 km; đường kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP. Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định dài hơn 14,3 km; tuyến nối từ Cảng hàng không Phù Cát tới Khu kinh tế Nhơn Hội, dài 18,5 km.

Bình Định cần xác lập chân dung du lịch đẳng cấp cao, là điểm đến toàn cầu, hàng đầu châu Á. Những năm tới, xét trên nhiều yếu tố, Bình Định có nhiều cơ hội để tăng tốc phát triển, trở thành cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên; một thị trường du lịch mới nổi đầy tiềm năng.

 Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách và giải pháp phát triển với tầm nhìn dài hạn. Do đó, việc thu hút các tập đoàn du lịch hàng đầu thế giới, những tập đoàn quản lý khách sạn và các resort tên tuổi sẽ là cú hích để đưa du lịch Bình Định lên tầm quốc tế".

- TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Bình Định cũng đã quyết định đầu tư đường ven biển dài gần 120 km nối TP. Quy Nhơn với huyện Hoài Nhơn. Tại lễ khánh thành Dự án Tuyến đường ven biển (ĐT 639), đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, Bình Định xác định lợi thế lớn nhất của tỉnh là biển, nên con đường ven biển này sẽ tạo sức bật quan trọng cho sự phát triển của địa phương.

Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định cho biết, tuyến đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định được đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, đã có 5/8 dự án đưa vào sử dụng hoặc gần hoàn thành. Tuyến đường này chạy song song với Quốc lộ 1 thông suốt từ TP. Quy Nhơn đến thị xã Hoài Nhơn, được kỳ vọng tạo động lực phát triển toàn diện cho cả khu vực phía Đông của tỉnh.

Cùng với đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Bình Định cũng đang được gấp rút triển khai thực hiện. Khi các dự án giao thông này hoàn thành, mạng lưới giao thông của tỉnh sẽ có tính kết nối cao, tạo động lực để thu hút đầu tư…

Đặc biệt hơn, điểm nhấn của Bình Định là Khu kinh tế Nhơn Hội, với tổng diện tích hơn 14.300 ha, được kỳ vọng sẽ tạo sức bật từ lợi thế biển, là hạt nhân tăng trưởng kinh tế của địa phương. Với chức năng đa ngành, đa lĩnh vực và là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng của miền Trung và Tây Nguyên, đến nay, Khu công nghiệp Nhơn Hội (khu A), Khu công nghiệp Nhơn Hội (khu B) thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản, đủ điều kiện thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đến đầu tư sản xuất.

Tại khu vực này, Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đang được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đã thu hút được nhà đầu tư. Ngoài ra, 7 khu công nghiệp khác của Bình Định đều có vị trí thuận lợi và đang được tỉnh này quan tâm phát triển, tích cực xúc tiến nhà đầu tư đến để “lấp đầy”.

Có thể kể đến những nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước đã tìm được bến đỗ tại Bình Định, như các tập đoàn Kurz, PNE (Đức); Toshiba, Sparx, Kumagaigumi (Nhật Bản); Doosan (Hàn Quốc), TATA (Ấn Độ); Hưng Thịnh, FPT (Việt Nam)… Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn như Dự án điện gió ngoài khơi, Dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land, Dự án Khu đô thị và Du lịch sinh thái Diêm Vân, Dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software…

Điểm sáng trong thu hút đầu tư của Bình Định năm 2022 là đạt gần 20.000 tỷ đồng từ 81 dự án đầu tư mới (đạt 135% kế hoạch đề ra).

Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định cho biết, trong năm 2023, tỉnh Bình Định sẽ tập trung thu hút đầu tư vào 5 trụ cột chính, gồm công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với đô thị hóa.

Tin liên quan
Tin khác