Đầu tư
Bình Dương chuyển mình, vươn tầm cao mới
Anh Khoa - 21/02/2014 10:28
Ngày 20/2, Bình Dương long trọng tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh. Sự kiện này được kỳ vọng tạo động lực đẩy mạnh phát triển Thành phố mới Bình Dương, góp phần đưa Bình Dương cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Quảng Nam muốn làm KCN riêng cho nhà đầu tư Hàn Quốc >Tân cảng Sài Gòn sẽ thành KĐT đa chức năng >Becamex Tokyu khai trương căn hộ mẫu Dự án Sora Gardens I

Thành phố mới Bình Dương - bước đột phá trong hội nhập quốc tế

Được khởi công xây dựng từ tháng 11/2010, Thành phố mới Bình Dương, với quy mô 1.000 ha nằm trong Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ có diện tích gần 4.200 ha, được Chính phủ phê duyệt sẽ trở thành trung tâm của TP. Bình Dương trực thuộc Trung ương theo định hướng quy hoạch đến năm 2020.

Thành phố mới Bình Dương sẽ trở thành một thành phố khoa học,
công nghệ và tri thức. Ảnh: Lê Toàn

Thành phố mới Bình Dương sẽ trở thành một thành phố “khoa học, công nghệ và tri thức”, là cửa ngõ thu hút nguồn lực mới cho quá trình phát triển công nghệ cao và các dịch vụ tài chính - ngân hàng - thương mại quốc tế; là nơi đủ khả năng kiến tạo quá trình ươm mầm các doanh nghiệp mới.

Thành phố mới Bình Dương sẽ trở thành thủ phủ của TP. Bình Dương trực thuộc Trung ương, đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong hiện tại và tương lai.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 nhằm nâng cấp mở rộng huyện Bến Cát, Bàu Bàng và Tân Uyên thành thị xã và thành lập huyện Bắc Tân Uyên, càng làm cho vai trò trung tâm của Thành phố mới thêm rõ nét.

Với chủ trương tạo môi trường sống thân thiện, xanh - sạch - đẹp, Thành phố mới đã đầu tư xây dựng hệ thống công viên - cây xanh ở bên trong và xung quanh trung tâm Thành phố mới.

Nhiều tập đoàn quốc tế, công ty công nghệ và đơn vị giáo dục - đào tạo đã đến Thành phố mới và đầu tư tổng cộng gần 2.500 tỷ đồng, như Khu công nghệ của Tập đoàn Mapletree (Singapore); Đại học Quốc tế Miền Đông, hoạt động từ năm 2011; hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm liên cấp, hoạt động từ năm 2012; Trường THPT chuyên Nguyễn Khuyến, hoạt động từ năm 2013; Trường Quốc tế KinderWorld (Singapore), hoạt động từ năm 2012. Hiện có gần 7.000 sinh viên, học sinh học tập, sinh hoạt tại Thành phố mới.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Becamex, Thành phố mới Bình Dương hoàn toàn có triển vọng phát triển tốt trên cơ sở hài hòa đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh, gắn kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với tầm nhìn chiến lược quốc gia về kinh tế, Thành phố mới nằm ở vị trí rất thuận lợi để kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ, TP.HCM thông qua các tuyến đường giao thông lớn, hiện đại, như đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường vành đai ngoài của TP.HCM trên địa bàn Bình Dương kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A hoặc qua đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Sân bay Quốc tế Long Thành...

Đặc biệt, từ tháng 3/2012, Tập đoàn Tokyu - một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản đã đến hợp tác đầu tư với Becamex tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương.

“Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục xây dựng, phát triển trung tâm Thành phố mới theo tiêu chí bền vững, thông minh, thân thiện và kết nối đến các trung tâm lớn của tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Đến nay, Thành phố mới Bình Dương đã cơ bản hình thành, người dân đã an cư tại đây cùng với các hoạt động trong khu đô thị mới, cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp, khu thương mại, ngân hàng, trung tâm hội nghị, câu lạc bộ thể dục - thể thao, khu nhà ở xã hội, trường học từ bậc tiểu học đến đại học…, tạo cảnh quang khá nhộn nhịp. Tiếng lành đồn xa, khách thập phương cũng đã đến tham quan, giao thương và tìm hiểu cơ hội định cư tại Thành phố mới.

Trung tâm hành chính tập trung - động lực phát triển Thành phố mới Bình Dương

Điểm nhấn của Thành phố mới là Tòa nhà Trung tâm Hành chính của tỉnh, với tổng diện tích sàn 104.416 m2, tổng vốn đầu tư 1.875 tỷ đồng, gồm 2 tháp A và B và Trung tâm Hội nghị -Triển lãm có tổng diện tích sàn 13.859 m2, đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo nơi làm việc cho khoảng 2.000 cán bộ, công nhân viên.

Tòa nhà trung tâm được thiết kế hiện đại, khai thác tối đa ánh sáng tự nhiên và thân thiện với môi trường; là nơi làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền tỉnh, cùng các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể…, tạo thành một quần thể phức hợp kết nối với các trường đại học, trung học quốc tế, khu công nghiệp và khu dân cư… Trụ sở các cơ quan trực thuộc Trung ương cũng được quy hoạch trong khu vực này.

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Trung tâm Hành chính tập trung sẽ là “trung tâm kiến tạo và truyền động lực” cho việc phát triển Khu liên hợp và Thành phố mới; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững trong các giai đoạn tiếp theo. Với các loại hình dịch vụ hành chính công nghệ cao, Trung tâm Hành chính tập trung giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với một nền hành chính công minh bạch và hiệu quả. Đó sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, giao lưu, hội nhập quốc tế ở trình độ cao; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Giải pháp cơ bản từ nay đến năm 2020 để hoàn thiện Đề án Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương

Từ nay đến năm 2020, nhiệm vụ đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ và Thành phố mới Bình Dương còn rất nặng nề, nhưng Becamex vẫn vững vàng một niềm tin thành công.

Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định, với truyền thống“liên tục đổi mới để phát triển”, Becamex sẽ chọn lựa, sắp xếp lại những lĩnh vực cần đầu tư lớn, đầu tư rộng; tích cực đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực về khoa học - công nghệ và quản trị; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hiện hữu thay đổi và nâng cấp công nghệ sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh.

Becamex sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông rộng rãi, thông thoáng theo tiêu chí “xanh - sạch - đẹp”, tạo niềm tin và cảm hứng cho các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào Bình Dương khi có điều kiện. “Các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, cùng các chuyên gia và các tập đoàn lớn nghiên cứu khả thi các đề án phụ và đề án kết nối, xem đó là đóng góp của Becamex để thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, xây dựng thành công Khu liên hợp và Thành phố mới Bình Dương, góp phần để tỉnh Bình Dương trở thành thành phố loại I vào năm 2020”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hệ thống giao thông bên trong Khu liên hợp được đầu tư trước và gần hoàn chỉnh, hiện đang tiếp tục xây dựng kết nối ra bên ngoài, như đường kết nối đến TP. Thủ Dầu Một; đường Phạm Ngọc Thạch từ trung tâm Thành phố mới đến Ngã năm Phước Kiến; đường tạo lực Tân Uyên; đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối các huyện, thị xã phía Bắc. Ở phía Nam, Khu liên hợp kết nối với Thuận An - Dĩ An và là cửa ngõ đến TP.HCM.

Việc Bình Dương tổ chức lễ khởi động xây dựng, phát triển Thành phố mới Bình Dương (công bố 11 dự án trọng điểm năm 2014) và khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung là lời khẳng định mạnh mẽ của tỉnh trong việc phát triển bền vững, nhằm thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, tạo cơ sở vững chắc để các nhà đầu tư tin tưởng và mạnh dạn đầu tư vào Bình Dương.

Kinh tế Bình Dương chuyển biến tích cực

Năm 2013, tỉnh Bình Dương đã đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Cụ thể, GDP tăng 12,8% so với năm 2012, GDP bình quân đầu người đạt 52,7 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 24,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,7%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 1,3 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 15,5%; tổng thu ngân sách đạt 29.000 tỷ đồng, bằng 102% dự toán đề ra.

Kế hoạch năm 2014, UBND tỉnh Bình Dương xác định mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Cụ thể, GDP tăng 13%; GDP bình quân đầu người khoảng 60 triệu đồng/năm; thu ngân sách khoảng 31.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa khoảng 22.500 tỷ đồng và thu xuất nhập khẩu 9.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nội dung quan trọng được tỉnh chú trọng là tập trung thu hút FDI, nhưng có chọn lọc.

Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tỉnh có 2.000 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 15 tỷ USD. “Năm 2014, Bình Dương đặt kế hoạch thu hút đầu tư FDI khoảng 1 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã cấp mới 20 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 189 triệu USD và 19 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn, với số vốn tăng 525 triệu USD. Đặc biệt, tỉnh đang xem xét chọn lựa những dự án có vốn đầu tư trên 3 triệu USD để cấp phép”, ông Mai Hùng Dũng cho biết thêm.

Danh sách dự án khởi động trong năm 2014 tại Bình Dương:

1. Hệ thống xe buýt nhanh do Công ty Becamex - Tokyu làm chủ đầu tư, cung cấp tiện ích hiện đại, kết nối Thành phố mới Bình Dương với các trung tâm đô thị như TP. Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và TP.HCM.

2. Khu phức hợp thương mại - căn hộ cao cấp Sora Garden - khu ẩm thực - trung tâm thương mại - dịch vụ, góp phần phát triển thị trường nhà ở căn hộ cao cấp gắn liền với phát triển thương mại, dịch vụ, tạo ra một không gian sống với thiết kế kết hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản, giữa truyền thống và hiện đại.

3. Khởi công xây dựng Đài Truyền hình Bình Dương (BTV), đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền, khoa học - công nghệ, nâng cao dân trí, văn hóa tinh thần của nhân dân.

4. Xây dựng văn phòng làm việc Quỹ Đầu tư phát triển Bình Dương.

5. Khánh thành tuyến đường vào Trung tâm Hành chính tập trung, là tuyến đường kết nối đô thị Thủ Dầu Một hiện hữu và trung tâm Thành phố mới Bình Dương.

6. Thông xe tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn và tiếp tục xây dựng các tuyến đường Tân Uyên và Bến Cát.

7. Khánh thành Trung tâm thương mại AEON - khu thương mại lớn nhất khu vực.

8. Khởi công xây dựng Dự án Cụm cảng và Trung tâm logistic Tân Vạn.

9. Hoàn thành Khu kho cảng An Sơn trên địa bàn thị xã Thuận An, hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường thủy; dịch vụ môi giới hàng hải, dịch vụ đại lý vận tải đường sông và biển; dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu; dịch vụ nạo vét lòng sông; dịch vụ đại lý tàu biển, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy nội địa; sửa chữa container.

10. Khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 1.500 giường, có hệ thống dịch vụ, hoàn chỉnh, hiện đại, chất lượng cao theo hướng ưu tiên phát triển các dịch vụ khám, chẩn đoán và thực hiện các nghiệp vụ chữa trị chuyên sâu bằng công nghệ cao.

11. Nâng cấp huyện Bến Cát thành thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, nâng cấp huyện Tân Uyên thành thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, đồng thời xây dựng các khu hành chính cho các huyện này.

Tin liên quan
Tin khác