Đầu tư
Bình Dương công bố chọn đối tác trong thu hút FDI vào ngành gỗ
Lê Quân - 01/12/2022 14:57
Tỉnh Bình Dương sẽ chọn đối tác có lợi thế về khoa học công nghệ trong ngành gỗ, không thu hút những dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 3085-QĐ-UBND).

Sản xuất gỗ tại Công ty An Cường, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Lê Toàn

Việc ban hành đề án nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ của Bình Dương đạt trình độ công nghệ hiện đại, có khả năng sản xuất các sản phẩm gỗ cao cấp với chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Mục tiêu đề ra đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất tỉnh Bình Dương đạt 9-10 tỷ USD; năm 2030 đạt 12 - 13 tỷ USD.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tỉnh Bình Dương bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 20%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 10%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, Bình Dương sẽ xây dựng 9 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ với diện tích trung bình 70-75 ha/cụm. Ngay trong năm 2022 sẽ hoàn thành 1 cụm công nghiệp và tiếp tục hoàn thành 08 cụm còn lại trước năm 2025.

Điểm đáng chú ý được Bình Dương đưa vào Đề án là thu hút đầu tư FDI vào ngành gỗ sẽ chọn lọc các đối tác có lợi thế về khoa học công nghệ như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore…

Đặc biệt, Bình Dương sẽ không thu hút những dự án đầu tư trong và ngoài nước có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường để đầu tư phát triển ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ.

Bên cạnh thu hút FDI, Bình Dương sẽ đa dạng hóa các hình thức thu hút vốn đầu tư trong nước và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các dự án trọng điểm phát triển ngành chế biến gỗ.

Để đạt được các mục tiêu trong đề án, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong nước và quốc tế để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm.

Đối với doanh nghiệp, Bình Dương hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp di dời vào khu, cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ để nhanh chóng đưa vào hoạt động.

Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng trung tâm kinh doanh (chợ đầu mối) nguyên phụ liệu ngành chế biến gỗ nhằm tạo thị trường giúp các doanh nghiệp trao đổi thông tin mua bán nguyên phụ liệu gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Tin liên quan
Tin khác