Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ trong nước đang vươn lên mạnh mẽ hơn so với các doanh nghiệp FDI |
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2018 là năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ đạt trên 8,9 tỷ USD (không tính các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ), tăng 14,5% so với năm 2017. Đáng chú ý là nguyên liệu cho chế biến gỗ trong nước đã chiếm 75%, chỉ nhập khẩu nguyên liệu 25%.
Các doanh nghiệp trong nước đã chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang vươn lên mạnh mẽ.
Về doanh nghiệp FDI ngành gỗ hiện có 867 doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động trong mảng chế biến đồ gỗ xuất khẩu, tiếp đến là mảng công nghiệp phụ trợ và sản xuất ván.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia có số lượng các dự án đầu tư vào ngành gỗ lớn nhất. Số doanh nghiệp FDI của 3 quốc gia này chiếm 63% trong tổng số các doanh nghiệp FDI của toàn ngành. Số doanh nghiệp FDI của Nhật Bản đứng thứ 3 nhưng có tỷ trọng nguồn vốn đăng ký đứng thứ 2.
Bình Dương là địa phương có số lượng doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ lớn nhất, chiếm gần 53% trong tổng các doanh nghiệp FDI đăng kí, tiếp đến là TP. HCM 10,4% và Đồng Nai 9%.
Trong số các doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động, có 529 doanh nghiệp, chiếm 61% tổng số doanh nghiệp FDI trực tiếp có hoạt động xuất khẩu. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp này đạt gần 4 tỷ USD, chiếm gần 47% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành gỗ.
Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, con số gần 47% là tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ nhỏ hơn rất nhiều so với con số về kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI nói chung (72%).
Điều này cho thấy các doanh nghiệp của Việt Nam trong ngành gỗ đã có những nỗ lực và vai trò rất lớn trong xuất khẩu.Tuy nhiên, so sánh ở góc độ khác, các doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ chiếm gần 20% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nhưng chiếm gần 47% trong tổng kim ngạch. Còn lại là các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 53% trong tổng kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ. Điều này cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa 2 nhóm.
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, sự chênh lệch này có lẽ phản ánh những khác biệt về một số khía cạnh giữa 2 nhóm, bao gồm quy mô vốn đầu tư, trình độ khoa học công nghệ, chất lượng lao động và tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm.
Để đạt mục tiêu trên, theo ông Tô Xuân Phúc, trước mắt, ngành cần kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu từ các nguồn có rủi ro cao.
Để làm được điều này, các ngành chức năng phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu nhập khẩu; phối hợp với các cơ quan chức năng của các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu nhằm tiếp cận với các thông tin về gỗ nhập khẩu.
Các hội, hiệp hội cần thu nhập, chia sẻ thông tin về thực trạng của các nguồn cung gỗ nguyên liệu, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng gỗ sạch.
Về dài hạn, ngành gỗ Việt Nam cần đi theo hướng chuyển đổi từ các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.Tăng trưởng của ngành không nên chỉ chú trọng vào mở rộng về kim ngạch thông qua việc gia tăng lượng xuất khẩu. Đã đến lúc ngành cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng về chất lượng.
"Điều này đòi hỏi ngành cần có sự thay đổi đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi cung, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển mẫu mã, hình ảnh, thương hiệu sản phẩm", ông Tô Xuân Phúc cho hay.