Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương thẳng thắn nhìn nhận, việc không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thu hút đầu tư vào dệt may và hạ tầng của Bình Dương không chỉ trong năm nay. Song thực tế, trong 3 tháng đầu năm, những dự án FDI “đình đám” nhất vào Bình Dương lại đến từ những lĩnh vực này.
Cụ thể, Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đã tăng thêm 485,8 triệu USD vốn đầu tư cho dự án tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, đưa tổng vốn đầu tư đăng ký lên 760 triệu USD. Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III có tổng vốn đầu tư hơn 284,7 triệu USD do Công ty Liên doanh Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư.
Không quá khó để lý giải về những nguồn vốn khủng trên. Với Dự án VSIP III, đây là bước hiện thực hóa cam kết đã đưa ra hồi tháng 9/2016 của nhà đầu tư đến từ Singapore trong dịp kỷ niệm 20 năm có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó, từ năm 2007, Far Eastern đã có dự án đầu tiên trong lĩnh vực may mặc tại Khu công nghiệp VSIP I. Trong chiến lược phát triển, Công ty tại Việt Nam sẽ có quy mô lớn thứ 3 của tập đoàn đến từ Đài Loan này. Do đó, việc tăng vốn đầu tư chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
(Nguồn: UBND tỉnh Bình Dương)
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 3 tháng đầu năm, địa phương đứng đầu cả nước trong thu hút FDI là Bắc Ninh với tổng vốn đăng ký 2,61 tỷ USD. Song trong số đó, riêng Dự án SamSung Display Việt Nam đã điều chỉnh tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD…
Bình Dương là địa phương xếp thứ 2 về thu hút vốn đầu tư, nghĩa là có tụt hạng so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong số 7 dự án trong cả nước có vốn đầu tư trên 200 triệu USD, thì Bình Dương đã có 3 dự án.
Dự án thứ 3 tại Bình Dương là Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 của Công ty TNHH Công nghiệp KOLON Bình Dương (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Bàu Bàng. Dự án có vốn đầu tư đăng ký 220 triệu USD, chuyên sản xuất sợi lốp Polyester HMLS bằng sợi có độ bền cao để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô. Điều đáng nói, KOLON là nhà đầu tư đã ký bản ghi nhớ với chính quyền tỉnh Bình Dương liên quan đến việc triển khai dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD trên diện tích 42 ha tại Khu công nghiệp Bàu Bàng. Số vốn 220 triệu USD cho dự án mới được cấp phép thuộc giai đoạn I của dự án này.