Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp
Trong những năm qua, một trong những bước đột phá của Bình Dương để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là cải cách hành chính. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh đã tập trung đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN), thực hiện dự án đầu tư, thủ tục cấp phép xây dựng, thủ tục thông quan hàng hóa, đăng ký quyền sở hữu... theo mức trung bình ASEAN-4; nhờ đó Bình Dương là tỉnh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách thủ tục hành chính.
Bình Dương chú trọng đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư; huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Các DN được tỉnh hỗ trợ như hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, thúc đẩy liên kết giữa các DN, giữa DN và các tổ chức khác nhằm giúp DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh Bình Dương tại một Hội nghị trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các DN do Tổng công ty Becamex IDC tổ chức |
Cũng theo ông Trúc, trong thời gian tới, Bình Dương hướng đến một nền kinh tế năng động dựa trên nền tảng sáng tạo, trở thành một khu vực sản xuất công nghệ cao có khả năng cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và mạng lưới các DN lớn và nhà cung cấp có năng lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm nền tảng phát triển xã hội văn minh, xanh, sạch hơn, như: Kế hoạch đổi mới thu hút đầu tư, kế hoạch phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị, kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm.
Bên cạnh đó là đề án xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, lãnh đạo Bình Dương quyết tâm xây dựng một chính quyền hành động, phục vụ người dân, DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Bình Dương tập trung đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư; huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình mang tính động lực, có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ DN; hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; thúc đẩy liên kết giữa các DN, giữa DN và các tổ chức khác nhằm giúp DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Hoạt động nghiên cứu, thực hành công nghệ cao của sinh viên Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (Bình Dương) |
Hội nghị WTA - nơi hội tụ của khoa học công nghệ
Trong các ngày từ 10 đến 12/10 tới, tại tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động của Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA) là sự kiện đặc biệt, kỷ niệm 20 năm thành lập WTA, thiết lập tầm nhìn mới cho hoạt động thập niên tiếp theo của WTA, thiết lập nền tảng toàn cầu cho các hoạt động trao đổi, hợp tác về công nghệ giữa các thành viên WTA.
Tại sự kiện này, song song với các hoạt động quan trọng như: Phiên họp của Đại hội đồng WTA, Diễn đàn các thị trưởng WTA, Diễn đàn các hiệu trưởng WTA…còn có các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ công nghệ cao với sự trưng bày các hạng mục khu vực: Khu Hạ tầng thông minh; Khu vực Công nghệ thông tin thông minh; Khu vực năng lượng và môi trường thông minh,… được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương.
Đến thời điểm này, WTA hiện có 106 thành viên từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với mục đích xây dựng một mạng lưới kết nối mạnh mẽ giữa các nhà lãnh đạo đổi mới và các doanh nghiệp công nghệ cao tại các thành phố, WTA đã tổ chức triển lãm quốc tế “Techno-Mart”, sau này đổi tên thành “Hội chợ công nghệ cao” và ngày càng mở rộng cả về quy mô và chất lượng, đóng góp rất nhiều đối với sự phát triển của thành phố tổ chức.
Để tổ chức tốt các hoạt động này, góp phần đưa Bình Dương trở thành nơi hội tụ của các DN công nghệ cao trong và ngoài nước, là nơi giới thiệu, trình diễn những công nghệ mới nhất và kết nối giao thương giữa các DN, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 2679/KH-UBND ngày 18/6/2018 về tổ chức Hội chợ Công nghệ cao.
Theo đó, đối tượng tham dự là các Viện nghiên cứu, Trung tâm, trường Đại học trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực: Điện, điện tử; công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật cao; y tế; giáo dục; giao thông; năng lượng; xây dựng; an ninh; môi trường; kinh tế;… các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, tại Hội chợ công nghệ cao năm nay, dự kiến sẽ có hơn 50 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghệ; kỹ thuật số; các ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ số theo xu thế thời đại công nghiệp 4.0 phù hợp với định hướng phát triển của thành phố thông minh;…
Đặc biệt, sẽ có sự tham gia giới thiệu hình ảnh, sản phẩm về các dịch vụ và công nghệ tiên tiến đến từ các DN, Viện nghiên cứu của thành phố Daejeon (Hàn Quốc).