Đầu tư
TP.HCM mời gọi đầu tư 2 dự án quan trọng của đô thị thông minh
Hồng Sơn – Lê Toàn - 17/09/2018 08:53
Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế-xã hội được TP.HCM mời gọi đầu tư với mục tiêu góp phần xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025.
TIN LIÊN QUAN

Thông tin tại Hội nghị mời gọi đầu tư cho 2 dự án này được tổ chức ngày 15/9, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, mục tiêu của việc xây dựng đô thị thông minh là giúp thành phố phát triển kinh tế nhanh và bền vững, góp phần giải quyết các “vấn nạn” như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, đồng thời, tăng khả năng tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân.

.

Để thực hiện được mục tiêu trên, TP.HCM đề ra các giải pháp thực hiện thành công 5 trung tâm, trụ cột cốt lõi và căn cơ của đề án. Đó là, xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn cho toàn thành phố được số hóa hoàn toàn. Xây dựng một công ty an ninh thông tin thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Xây dựng 2 trung tâm giúp thành phố điều hành thông minh các vấn đề về an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn, giải quyết an ninh trật tự xã hội từ xa và giúp mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội của thành phố…

TP.HCM mời gọi công khai, minh bạch các nhà đầu tư tham gia trao đổi và giải pháp công nghệ xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế-xã hội. Đồng thời, nhấn mạnh tầm nhìn và nguyên tắc tiên quyết trong việc xây dựng thành phố thành đô thị thông minh, định hướng việc lựa chọn các giải pháp mang tính đồng bộ, phù hợp nền tảng công nghệ của Đề án làm cơ sở triển khai, hoàn thành việc tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 2 Trung tâm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cuối năm 2017, TP.HCM đã ký ban hành “Đề án xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 – 2025” và là một trong những địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước. Tuy nhiên, đây là một nội dung rất mới, đặc biệt là rất đa dạng trên thế giới, vì các thành phố đang làm và được công nhận là thành phố thông minh có những nhấn mạnh về mục đích của đô thị thông minh tùy theo điều kiện của mình.

Đối với TP.HCM, đô thị thông minh nhằm giải quyết những vấn đề đặc trưng của đô thị lớn trong quá trình đô thị hóa. Đó là dân số ngày càng tăng, mật độ dân số ngày càng cao, vượt quá khả năng phục vụ của hạ tầng như giao thông, nhà ở, cấp nước, y tế, giáo dục, môi trường… Do đó, trong sự phát triển có những lĩnh vực trở nên không bền vững, cạnh tranh kém hiệu quả và nguồn lực con người, khoa học kỹ thuật chưa được tận dụng khai thác tốt.

Trong xây dựng đô thị thông minh, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có 3 nhóm giải pháp lớn. Trước hết là trách nhiệm của chính quyền, đó là chính quyền trách nhiệm, chính quyền thông minh, chính quyền làm việc hiệu quả. Thứ hai là xây dựng môi trường để thực hiện sự tương tác giữa các chủ thể. Thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo để góp phần làm cho quá trình tiếp nhận thông tin, lưu trữ thông tin, xử lý thông tin ngày càng hiệu quả cao…

Về các giải pháp cụ thể, theo ông Nhân, thành phố phải đầu tư hình thành cơ sở dữ liệu tích hợp mở cho 4 chủ thể khai thác như dữ liệu về dân cư, kinh tế, giáo dục, giao thông… Đồng thời, xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phục vụ cho chính quyền các cấp của thành phố. Hình thành trung tâm điều hành quản lý nhà nước cấp thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Cùng với đó, hình thành trung tâm đảm bảo an toàn thông tin nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống hạ tầng viễn thông, an ninh mạng để nhà nước, doanh nghiệp, người dân sử dụng…

Đối với đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế-xã hội, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị làm sáng tỏ và có câu trả lời cụ thể các vấn đề như, “đầu vào” và “đầu ra” của 2 trung tâm; cơ cấu chức năng của mỗi trung tâm; thực tiễn để các phần cứng, phần mềm cần sử dụng cho 2 trung tâm này; tình hình cung cấp phần cứng, phần mềm phục vụ cho hai trung tâm hiện nay trên thị trường; tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, cung cấp dịch vụ cho các trung tâm; kinh nghiệm vận hành các trung tâm tương tự ở các nước…

“Chúng tôi luôn mong muốn và hướng tới việc để người dân thành phố hạnh phúc, có cuộc sống ngày càng tốt hơn”, ông Nhân khẳng định và cho biết, TP.HCM chờ đợi, rất muốn nghe ý kiến, sự tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư…về việc xây dựng 2 dự án quan trọng này nói riêng và xây dựng đô thị thông minh nói chung.

Tin liên quan
Tin khác