Đầu tư
Bình Phước: Tập trung đầu tư khu công nghiệp để hút vốn FDI
Việt Dũng - 27/04/2022 07:43
Dồn lực tạo mọi điều kiện để phát triển Khu công nghiệp giai đoạn mới, Bình Phước đang là địa phương giữ sức nóng thu hút đầu tư ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước xác định thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp là giải pháp mũi nhọn để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Với những chính sách thu hút đầu tư hợp lý, Bình Phước đã trở thành điểm đến và dừng chân của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Bình Phước vẫn tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Cụ thể, tỉnh đã thu hút được 70 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn 600 triệu USD, tăng gấp 2 lần về số dự án và 3 lần về số vốn so với năm 2020. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 3,579 tỷ USD. Cùng với đó, trong năm 2021, tỉnh đã phê duyệt 100 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng. Quý 1/2022, tỉnh đã thu hút 9 dự án FDI với số đăng ký 23 triệu USD.

Tỉnh Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686ha, trong đó 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào địa phương năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ; xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên vùng và nội tỉnh; đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

Cùng với đó, tỉnh bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư; trong đó có thêm chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, dự án khách sạn du lịch, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế; phối hợp với các nhà đầu tư khu, cụm công nghiệp tổ chức xúc tiến đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước.

Đồng thời, tổ chức xúc tiến đầu tư trực tuyến; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị; tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc với các hội, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Việc đầu tư triển khai khu công nghiệp quy mô lớn đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tích cực vào ngân sách. Toàn tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686ha, trong đó 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động”, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nói và cho biết thêm, thông qua các khu công nghiệp, tỉnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiêu biểu là khu công nghiệp Becamex-Bình Phước (Chơn Thành), sau 4 năm triển khai đã thu hút được 49 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trực tiếp đóng góp vào ngân sách hơn 1.700 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 6.000 lao động. Do vậy, tỉnh sẽ chú trọng nâng cấp diện tích công nghiệp lên nhiều lần để tiếp thu hút nguồn vốn.

Với lợi thế lớn mặt bằng giá bất động sản còn thấp, biên độ tăng giá cao, thị trường này sẽ hấp dẫn nhà đầu tư đi trước đón đầu

Mới đây, vào giữa tháng 2/2022, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức cuộc họp hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 mở rộng Khu công nghiệp Minh Hưng III giai đoạn 2 (huyện Chơn Thành) với quy mô 577 ha. Theo dự báo, khi các nhà máy tại khu công nghiệp Minh Hưng III giai đoạn 2 được xây dựng sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 22.000-23.000 lao động.

Đầu năm 2022, Công ty Thành Phương đã khởi công xây dựng các cụm công nghiệp Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, Tân Phú, Tiến Hưng 1 có tổng quy mô hơn 230 ha, với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Đây là các cụm công nghiệp tổng hợp, đa ngành, sau khi hoàn thành sẽ thu hút các ngành nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng.

Cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã họp xem xét thông qua quy hoạch mở rộng 2 khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú giai đoạn 2. Theo đó, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú giai đoạn 2 được quy hoạch thêm 317 ha (giai đoạn 1 rộng 184 ha), trong đó trên 132 ha thuộc TT.Tân Phú (H.Đồng Phú) và gần 185 ha thuộc xã Tiến Hưng (TP.Đồng Xoài).

Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước đề xuất quy hoạch 61 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.381 ha, tăng thêm 1.780 ha so với quy hoạch đã phê duyệt. Dự kiến, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 của Bình Phước khoảng 18.000 ha. Nếu thực hiện được sẽ đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp có vị trí quan trọng đối với cả vùng Đông Nam Bộ.

Theo các chuyên gia, năm 2022 và thời gian tiếp theo, với những tín hiệu tích cực từ sự đổ bộ của các ông lớn trong ngành địa ốc, công nghiệp, Bình Phước đang là địa phương giữ sức nóng bậc nhất toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với lợi thế lớn mặt bằng giá bất động sản còn rất thấp, biên độ tăng giá cao, thị trường này sẽ hấp dẫn nhà đầu tư đi trước đón đầu.

Bên cạnh đó, Bình Phước đã đưa ra những thay đổi trong cơ chế khuyến khích đầu tư để thu hút vốn, ưu đãi với cơ hội được miễn thuế, hỗ trợ quảng cáo, xúc tiến thương mại, thuê đất giá rẻ… Ngoài ra những chính sách thông thoáng và thuận lợi của tỉnh đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có ý định rót vốn vào khu vực này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nhà đầu tư cần “chọn mặt gửi vàng” cho các chủ đầu tư và nhà phân phối uy tín.

Tin liên quan
Tin khác