Thời sự
Bình Thuận: Đánh thức tiềm năng, đầu tư chiều sâu
Bắc Giang - 03/05/2014 10:51
Là tỉnh duyên hải nằm liền kề Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và là giao điểm của 3 vùng kinh tế Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, Bình Thuận đang từng bước phát huy lợi thế trong thu hút đầu tư để phát triển.
TIN LIÊN QUAN

Đánh thức tiềm năng

Xét về quy mô nền kinh tế, cũng như sức hút đầu tư so với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Thuận chưa phải là địa phương sở hữu ưu thế nổi trội.

   
 

Khởi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, một trong những dự án thành phần của siêu dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có tổng vốn đầu tư lên tới 6,1 tỷ USD

 

Trong tương quan với các tỉnh Đông Nam Bộ cận kề, Bình Thuận khá khiêm nhường, khi các điều kiện, trình độ phát triển còn hiện diện nhiều khoảng cách phải khỏa lấp.

Tuy vậy, không ồn ào với những dự án tỷ đô, việc thu hút đầu tư vào Bình Thuận đang dần đánh thức tiềm năng, giúp kinh tế địa phương có những bước chuyển dịch quan trọng, để lại nhiều dấu ấn.

Cú hích đầu tiên khiến nhà đầu tư để mắt tới Bình Thuận là sự kiện nhật thực toàn phần năm 1995. Hàng chục ngàn du khách đã đổ về Mũi Né, địa danh lý tưởng để quan sát nhật thực. Mọi người ngỡ ngàng nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên với bờ biển dài, bãi tắm đẹp, rừng dừa xanh ngắt, đồi cát trắng hoang sơ, thơ mộng, khí hậu trong lành. Điều thú vị này đã không lọt khỏi “mắt xanh” của các nhà đầu tư khi nhìn ra cơ hội đầu tư du lịch nơi đây. Sau đó, làn sóng đầu tư ùa tới với hàng trăm dự án xây dựng khu du lịch, resort, khách sạn đẳng cấp.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay, tổng số dự án du lịch, dịch vụ được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực là 403, với diện tích 7.670 ha và có tổng vốn đăng ký đầu tư 58.411 tỷ đồng. Trong đó, có 58 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1.532 triệu USD. Dòng vốn đổ vào du lịch không chỉ đưa Bình Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và được mệnh danh là “Thủ đô resort”, mà còn là thành tố quan trọng giúp cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch tích cực.

Du lịch luôn là điểm sáng đáng chú ý nhất và bệ đỡ tăng trưởng cho kinh tế Bình Thuận những năm khó khăn gần đây. Tiềm năng phát triển du lịch Bình Thuận còn rất lớn. Nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như Hàm Tiến - Mũi Né, Thuận Quý - Kê Gà, núi Tà Cú, Hàm Thuận - Đa Mi, Vĩnh Hảo - Cà Ná, Bàu Trắng, du lịch đảo Phú Quý. Ngoài ra, địa phương còn có các điểm di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng, như tháp Chăm Pô Sha Inư, chùa Núi Tà Cú, dinh Thầy Thím, chùa Hang…

Bình Thuận đã xây dựng chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2013 – 2020, với mục tiêu đưa Bình Thuận trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ và tạo bước phát triển kỳ tích mới.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bình Thuận cũng rất có thế mạnh, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 281.636 ha, diện tích chủ động nước khoảng 58.704 ha. Thanh long Bình Thuận đã trở thành cây đặc sản, thương hiệu trái cây nổi tiếng có sức vươn rất lớn cho xuất khẩu nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện tại, tỉnh có diện tích cây thanh long khoảng 20.502 ha, với sản lượng trên 230 tạ/ha. Thị trường xuất khẩu chiếm 80 - 85% tổng sản lượng, trong đó có các thị trường trọng điểm, như Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Hà Lan, Đức, Canada, Hoa Kỳ…Đi đôi với thanh long, Bình Thuận còn là một trong 3 ngư trường lớn của cả nước (52.000 km2), trữ lượng  khoảng 240.000 tấn, sản lượng khai thác năm 2013 khoảng 185.715 tấn, có hơn 4.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản.

Với cặp lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp trên, Bình Thuận có đủ cơ sở để hấp thụ tốt các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản.

Thiên nhiên ưu ái Bình Thuận khi nguồn khoáng sản rất đa dạng. Có thể kể ra như vàng, thiếc, vonfram, chì, kẽm, saphia, thạch anh, sét gạch ngói, sét bentonite. Đặc biệt, tỉnh có trữ lượng tài nguyên sa khoáng titan rất lớn, với trữ lượng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng của cả nước.

Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng cũng đang tạo cho Bình Thuận sức hút mạnh. Thế “chân vạc” nhiệt điện - thủy điện - phong điện đang dần đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tầm cỡ quốc gia… Nhiều công trình thủy điện đang hoạt động và phát huy hiệu quả. Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đang được tập trung nguồn lực xây dựng; Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ đang được tích cực chuẩn bị đầu tư.

Riêng về phong điện, theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Công thương phê duyệt, đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 700 MW, sản lượng điện gió tương ứng xấp xỉ 1.500 triệu kWh. Đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500 MW, sản lượng điện gió tương ứng 5.475 triệu kWh. Hiện nay, có 15 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư, đề nghị lắp đặt khoảng 1.182 MW, trong đó có 5 dự án đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai thực hiện.

Còn theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 9 dự án đã hoàn thành báo cáo đầu tư trình xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, 1 dự án đang trong giai đoạn khảo sát lập hồ sơ dự án đầu tư. Giai đoạn 1 Dự án Phong điện 1 - Bình Thuận (30 MW) và Dự án Điện gió Phú Quý (6 MW) lắp đặt hoàn thành và đưa vào vận hành. Ngoài ra, còn 7 dự án, công suất khoảng 400 MW đang xem xét chủ trương cho khảo sát, đo gió, nghiên cứu lập dự án đầu tư.

Nhiều nỗ lực khơi nguồn đầu tư

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 1.099 dự án (còn hiệu lực), tổng vốn đăng ký 89.000 tỷ đồng, diện tích 45.686 ha. Trong đó, có 98 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.692,5 triệu USD. Riêng lĩnh vực du lịch có 403 dự án du lịch, với tổng vốn đăng ký 58.411 tỷ đồng và diện tích 7.670 ha và lĩnh vực công nghiệp có 220 dự án, với tổng vốn đăng ký 21.256 tỷ đồng và diện tích 6.255 ha.

“Khó khăn trong thu hút đầu tư là việc chồng lấn giữa các quy hoạch ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào khu vực này. Song song đó, tỉnh cũng gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…”, ông Hòa nói và cho biết, Bình Thuận đang nỗ lực nhiều để khơi nguồn đầu tư.

Một trong những giải pháp quan trọng là cải cách thủ tục hành chính, tiến đến tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và “một cửa liên thông” trên các lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mã số thuế, giấy phép khắc dấu, con dấu tập trung đầu mối về Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tỉnh cũng triển khai quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính từ cấp xã đến cấp huyện trên 5 lĩnh vực là đất đai, đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng cho cá nhân… Công tác hiện đại hoá nền hành chính được triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 32 cơ quan quản lý hành chính nhà nước được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008.

Bên cạnh đó, Bình Thuận thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung những quy trình, quy định liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là các thủ tục hành chính về chấp thuận đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, các thủ tục về cấp phép xây dựng, thuế…, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2013, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Thuận từ vị trí 47 lên vị trí 22, trong đó các tiêu chí về cải cách hành chính và tính năng động được đánh giá rất tích cực.

Nút thắt hạ tầng cũng dần được tháo gỡ, khi trên địa bàn tỉnh hàng loạt dự án giao thông đã và chuẩn bị khởi động, đem tới niềm hứng khởi và làn gió mới với các nhà đầu tư. Bên cạnh Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đang được đẩy nhanh thì dự án đường cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Nha Trang đang triển khai xây dựng. Cảng Vĩnh Tân đang đầu tư xây dựng để tiếp nhận tàu tải trọng lớn. Sân bay Phan Thiết dự kiến sẽ được khởi công đầu tư xây dựng tại xã Thiện Nghiệp vào tháng 8/2014.

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, định hướng tới năm 2020, xây dựng, phát triển tỉnh căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có cơ cấu kinh tế phù hợp: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với 3 trung tâm mang tầm quốc gia: trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch - thể thao biển.

“Bình Thuận đang tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Chủ trương là tập trung thu hút đầu tư theo chiều sâu, vào những lĩnh vực có lợi thế, làm động lực thúc đẩy phát triển”, ông Phương nói và cho biết, với quan điểm này, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh rà soát quy hoạch, phân bổ nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả để đầu tư các hạ tầng thiết yếu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư.\

* Không riêng các dự án hạ tầng lớn được đầu tư, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ kết nối Bình Thuận với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, các dự án giao thông kết nối các huyện, các khu công nghiệp, các dự án thủy lợi, nước sạch, hậu cần nghề cá… cũng được quan tâm đầu tư cải thiện.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội được huy động 44.219 tỷ đồng (chiếm 42,7% GDP), bình quân hàng năm tăng 10,7%.

Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 5.184 tỷ đồng, chiếm 11,7%, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trọng tâm và tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư đến với Bình Thuận.

TIN LIÊN QUAN
Siêu dự án năng lượng dồn dập vào Bình Thuận
KCN Tuy Phong - nhiều lợi thế hút nhà đầu tư
Xây dựng Khu công nghiệp Tuy Phong có quy mô 150 ha
Khởi công Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tổng vốn 36.000 tỷ đồng

Tin liên quan
Tin khác