Đầu tư
Bình Thuận: Hơn 15.000 tỷ đồng đầu tư vào các khu công nghiệp
Hoàng Anh - 30/05/2023 08:11
Bình Thuận có 6 khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng, với tổng diện tích 1.093 ha; thu hút được 86 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp với tổng diện tích 3.003,43 ha.

Trong đó có 6 khu công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 1.093,43 ha.

Các khu công nghiệp thu hút được 86 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư 15.961,5 tỷ đồng và 231,89 triệu USD, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 270 ha, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng là 37%.

Ngoài ra, Bình Thuận còn có 3 khu công nghiệp với quy mô 1.910 ha đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng là Khu công nghiệp Tân Đức, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, hoạt động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp tương đối ổn định, các chỉ tiêu về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách Nhà nước tăng bình quân 10-16%/năm. Các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động…

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút được nhiều dự án đầu tư.

Trong cuộc họp rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án hạ tầng Khu công nghiệp mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất đối với từng dự án cụ thể tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Hải giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát lại quy định của pháp luật về nhà ở xã hội hiện nay. Đồng thời, yêu cầu huyện Hàm Tân và huyện Tuy Phong khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các Khu công nghiệp trên địa bàn. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục nắm sát tình hình khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để có hỗ trợ và kiến nghị UBND tỉnh giải quyết kịp thời.

Nghị quyết về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu phát triển công nghiệp trở thành trụ cột kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành công nghiệp bình quân 11,5 - 12,5%/năm. Giai đoạn 2026 - 2030, GRDP của ngành công nghiệp bình quân đạt 13%/năm

Tin liên quan
Tin khác