Thời sự
Bình Thuận: Kỳ vọng bứt tốc nhanh hơn, thần kỳ hơn
Sơn Thắng - 30/08/2022 14:20
Với chiến lược đầu tư hạ tầng hiệu quả, cùng tầm nhìn xa trong quy hoạch, Bình Thuận đang định hình bức tranh kinh tế tích cực trong tương lai gần.
Bình Thuận đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển, trở thành một cực tăng trưởng của miền Trung

Ấn tượng 30 năm

Những ngày cuối tháng 8, tại nơi cực Nam của dải đất Duyên hải miền Trung, Bình Thuận đang phấn khởi chào mừng 30 năm tái lập tỉnh.

Bình Thuận - miền đất đã ghi tên mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế với địa danh Mũi Né lôi kéo hàng triệu du khách, với đồi Cát Đỏ trải dài nhiều km, với bãi biển Cổ Thạch, mũi Kê Gà… đang tập trung mọi nguồn lực để tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới, trở thành một cực tăng trưởng của miền Trung.

Ngược dòng thời gian, trước thập niên 90 của thế kỷ trước, Bình Thuận là một trong những địa phương có nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng lạc hậu đã kìm hãm sự bứt phá của địa phương. Kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1992), Bình Thuận đã vươn mình mạnh mẽ, khai thác hiệu quả lợi thế trong các lĩnh vực du lịch, dầu khí, năng lượng tái tạo…

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm tăng 9,07%. GRDP bình quân đầu người tăng từ 4,5 triệu đồng (năm 1992) lên 75,69 triệu đồng hiện nay, gấp 12,89 lần. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,35 triệu đồng (năm 1992) lên 56,28 triệu đồng năm 2022.

Theo ông Phong, Bình Thuận có tiềm năng lớn về năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp địa phương, là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế tỉnh.

Bên cạnh năng lượng, du lịch cũng là nhân tố chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế. Theo UBND tỉnh, du lịch Bình Thuận phát triển nhanh, nhất là sau sự kiện nhật thực toàn phần (năm 1995) đã mở ra triển vọng phát triển mới, đưa Bình Thuận trở thành điểm du lịch nổi bật cả nước.

Du lịch Bình Thuận đã tạo nên sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư trong những năm qua. Ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận cho biết, trong 30 năm kể từ khi tái lập, Bình Thuận đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch khu vực ven biển, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, tổ hợp du lịch - dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Tính đến nay đã có 382 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó 188 dự án đã đi vào hoạt động.

“Trong 30 năm, tổng vốn đầu tư xã hội đạt con số hơn 367.000 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực trọng tâm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, ông Tiến nói.

Đánh giá tổng thể về 30 năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong nhìn nhận, Bình Thuận đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, kinh tế phát triển khá nhanh, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế tăng đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế chuyển biến tích cực.

Kỳ vọng bứt phá thần kỳ

Đầu năm 2022, tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận, TS. Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh cần phục hồi kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng. Kế hoạch phục hồi phải thông minh, sáng tạo, khoa học, tốc độ phục hồi phải nhanh hơn, thần kỳ hơn.

Lợi thế lớn nhất của Bình Thuận là biển. Việc tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế địa phương là nhiệm vụ mang tính chiến lược của tỉnh.

Để làm được điều này, ông An nhấn mạnh, cần phải tìm ra những nút thắt, điểm nghẽn, đâu là cản trở cho sự phát triển. Hệ thống chính trị phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, để phát triển kinh tế nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19, cần phải dựa vào đầu tư công, đẩy mạnh đầu tư công để kích thích các hoạt động kinh tế khác. “Phương châm của Chính phủ là lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư từ nguồn vốn xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Dương Văn An nói.

Trên thực tế, triển vọng phát triển kinh tế Bình Thuận có khá nhiều điểm tích cực, một phần dựa vào yếu tố “lực” của chặng đường 30 năm đã tạo nên, mặt khác dựa vào hệ thống hạ tầng mang tính động lực đã và đang triển khai, trong đó cảng biển đã được đầu tư, sân bay Phan Thiết đang triển khai xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2023. Đặc biệt, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sắp hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc kết nối Bình Thuận với khu vực kinh tế phía Nam. Hạ tầng sẽ tạo nên sức hút lớn đối với các dòng vốn đầu tư đổ vào Bình Thuận trong những năm tới, trong đó nổi bật là lĩnh vực du lịch, bất động sản, năng lượng…

Một yếu tố khác cũng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước kỳ vọng, đó chính là quy hoạch địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong chia sẻ, định hướng, mục tiêu, tầm nhìn tổng thể đã được Tỉnh ủy có ý kiến, trong đó, Bình Thuận sẽ tập trung xây dựng sớm quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là xây dựng đô thị Phan Thiết xứng tầm, đưa thành phố này trở thành trung tâm văn hóa, du lịch.

Lợi thế lớn nhất của Bình Thuận là biển. Việc tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế địa phương là nhiệm vụ mang tính chiến lược của tỉnh. Tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung gần đây, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các tỉnh miền Trung chỉ có thể dựa vào biển, lấy biển để định hướng chiến lược phát triển lâu dài và bền vững, trong đó phải đặc biệt chú trọng du lịch, đô thị, dịch vụ logistics…

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 892/QĐ-TTg về việc phê duyệt Để án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế mạnh thời kỳ đến năm 2030. Quyết định này đã định hướng rõ phát triển Bình Thuận thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm cỡ quốc tế cao ở châu Á - Thái Bình Dương. Định hướng này sẽ gợi mở nhiều trong ý tưởng quy hoạch của tỉnh trong thời gian tới.

Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận về thúc đẩy huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025 cũng nhấn mạnh, tập trung đầu tư hạ tầng, trong đó có tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, đồng thời ưu tiên nguồn vốn đầu tư các tuyến đường ven biển như Phan Rí Cửa - Bình Thạnh, Sơn Mỹ (Hàm Tân) - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), các tuyến đường ven biển như DT 716, 719…

“Bình Thuận sẽ huy động các nguồn lực đầu tư cảng biển, bến du thuyền… Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng chuỗi đô thị ven biển”, Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác