Theo bước chân đại quân thần tốc giải phóng miền Nam, cách đây 40 năm, ngày 19/4/1975, tỉnh Bình Thuận được giải phóng. Những chiến thắng lẫy lừng gắn với địa danh Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận, Phan Thiết, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, La Gi… tạo nên khí phách quật cường, hào hùng của người Bình Thuận. Xuyên qua chiến tranh, đất và người Bình Thuận từng bước vượt qua gian khó, từng bước xây dựng quê hương giàu đẹp hơn, rạng rỡ hơn.
Những thành tựu nổi bật
Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ, là cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với miền Trung, Tây Nguyên. Tỉnh có tiềm năng về tài nguyên biển, rừng, nông nghiệp, khoáng sản, du lịch và gần đây là dầu khí. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, đây là một trong những tỉnh khó khăn, nhưng sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), Bình Thuận đã từng bước vươn lên, biến khó khăn, thách thức thành những lợi thế, tìm chọn hướng đi phù hợp, đúng đắn để thúc đẩy tỉnh nhà phát triển.
Nhìn lại 40 năm qua, Bình Thuận có nhiều thành tựu kinh tế nổi bật. Từ năm 1992 đến nay, tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng bình quân hàng năm là 9,43%; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 1.859 USD năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Cụ thể, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ có xu hướng tăng dần. Nếu như năm 1991, khu vực kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 69,2% GRDP, thì đến năm 2015, chỉ còn 17,4%; tỷ trọng của lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ tăng tương ứng từ 30,8% lên 82,6%. Ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, đã nâng cao năng lực sản xuất, kéo theo toàn nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, ngành du lịch phát triển nhanh, là nhân tố mới tạo bước đột phá, mở ra hướng phát triển mới trong những năm tới. Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, hoạt động xuất khẩu có sự chuyển biến tích cực. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá dự kiến đạt 291,7 triệu USD, tăng gấp 39,4 lần so với năm 1991. Các sản phẩm có lợi thế như nước mắm Phan Thiết, tôm giống, thanh long, nước suối Vĩnh Hảo và Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né tiếp tục giữ vững thương hiệu có uy tín.
Điểm sáng nữa là kết cấu hạ tầng được chú ý đầu tư phát huy hiệu quả. Bình Thuận đã huy động các nguồn lực đa dạng từ các thành phần kinh tế, ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng phát triển các dự án hạ tầng ngày càng nhiều. Trong giai đoạn 1992-2015, tổng vốn đầu tư xã hội được huy động khoảng 136.680 tỷ đồng, tăng bình quân 24%/năm, đặc biệt vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khoảng 105.100 tỷ đồng, chiếm 77% tổng số vốn huy động. Tỷ trọng vốn đầu tư phát triển so với GRDP tăng từ 17% năm 1991 lên 32,9% năm 2015. Đầu tư thích đáng vào hạ tầng đã tạo động lực lớn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Thu ngân sách nội địa tăng lên đáng kể; tổng thu nội địa đến năm 2015 ước đạt 3.930 tỷ đồng, gấp 51 lần so với năm 1992. Từ đó, đã tạo thêm nguồn lực cho tỉnh chủ động trong đầu tư phát triển.
Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Từ một tỉnh có 8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV đến nay, toàn tỉnh đã có 13 đô thị loại V, 1 đô thị loại IV và 1 đô thị loại II. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông cơ bản đều được trải nhựa, hệ thống cung cấp điện, nước và thoát nước được đầu tư nâng cấp; mạng lưới bưu chính, viễn thông được mở rộng, chất lượng ngày càng được cải thiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư.
Một trong những nét nổi bật nhất là hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng mới, mở rộng nâng cấp để khắc phục tình trạng khô hạn thiếu nước, đã tác động tích cực đến sản xuất, đưa năng lực thiết kế tưới các công trình đến nay đạt trên 53.000 ha, đặc biệt các công trình nâng cấp mới, các tuyến kênh chuyển nước với suất đầu tư thấp, nhưng phát huy năng lực tưới nhanh, đưa diện tích gieo trồng được tưới tăng từ 20.000 ha năm 1991 lên 112.000 ha năm 2014 với 80% diện tích chủ động nước tưới.
Một số công trình thủy lợi đem lại hiệu quả cao như hồ Sông Quao, hồ Cà Giây, hồ Lòng Sông, Kênh 812 Châu Tá, hồ Sông Móng, Kênh tiếp nước Hồ Cà Giây, Kênh chuyển nước Sông Lũy - Cà Giây, kênh chuyển nước hồ Sông Móng - hồ Đu đủ - hồ Tân Lập… Hiện tại, một số công trình đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng như đập dâng Tà Pao, Dự án Tưới Phan Rí - Phan Thiết, hồ Sông Dinh 3. Bên cạnh đó, Chương trình Xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực đạt kết quả bước đầu: năm 2014 có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2015 có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 26% tổng số xã của tỉnh. Vùng đồng bào dân tộc ít người so với trước đã có sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, kinh tế Bình Thuận vẫn đứng trước không ít thách thức. Nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác tương xứng để đẩy nhanh tốc độ phát triển; chất lượng và sức cạnh tranh còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư, song so với yêu cầu phát triển vẫn còn thiếu nhiều, lạc hậu và chưa đồng bộ, đặc biệt là các hạ tầng chủ yếu. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, lao động còn tập trung trong nông nghiệp và ở nông thôn với tỷ lệ cao, năng suất lao động thấp.
Bình Thuận có nhiều cơ hội tiếp tục bứt phá
Với thành quả về kinh tế trong 40 năm qua, giai đoạn tới Bình Thuận có điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển bứt phá, khởi sắc hơn. Theo đó, Bình Thuận định hướng huy động tối đa các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát huy tốt nhất các lợi thế so sánh nhằm thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo cơ cấu: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Trong đó, công nghiệp tập trung trước hết vào công nghiệp điện, công nghiệp chế biến. Ngành du lịch tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời mở rộng liên kết, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, phục vụ nhu cầu phong phú và đa dạng của du khách.
Với nông nghiệp, tỉnh ưu tiên phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, áp dụng tiến bộ công nghệ giúp sản phẩm thanh long phát triển hiệu quả; đánh bắt hải sản xa bờ theo mô hình khai thác - chế biến - dịch vụ hậu cần trên biển gắn với bảo vệ biển, đảo. Bình Thuận cũng đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng, gắn sản xuất với chăn nuôi, khai thác với nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh giữ vững thương hiệu các loại sản phẩm lợi thế như nước mắm Phan Thiết, tôm giống, thanh long, nước suối Vĩnh Hảo và Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né. Quá trình phát triển Bình Thuận coi trọng phát triển hài hòa giữa các vùng nông thôn, miền núi với thành thị, đồng bằng với vùng cao.
Bình Thuận cũng quyết tâm hình thành 3 trung tâm mang tầm quốc gia: Trung tâm năng lượng; Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan; Trung tâm du lịch – thể thao trên biển.
Theo đó, Bình Thuận sẽ triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng sa khoáng titan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tỉnh tích cực kêu gọi đối tác đầu tư chế biến sâu quặng sa khoáng titan trên cơ sở gắn chặt hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường; xây dựng Đề án Trung tâm chế biến sa khoáng quặng titan. Tỉnh cũng tiếp tục triển khai xây dựng Đề án Trung tâm năng lượng. Bình Thuận hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai các dự án thủy điện, nhiệt điện, điện gió đã được chấp thuận đầu tư như Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Thủy điện Đan Sách 2, Đan Sách 3, La Ngâu, Sông Lũy, Phong điện Phú Lạc… và khởi công Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và 3.
Về du lịch, tỉnh thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung củng cố, nâng chất lượng các loại dịch vụ phục vụ du lịch; tăng cường quản lý, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quảng bá hình ảnh và tiềm năng du lịch của tỉnh nhà với du khách trong nước và quốc tế.
Hiện thực hóa các định hướng nêu trên, Bình Thuận sẽ tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển. Tỉnh sẽ huy động nhiều nguồn lực ngân sách địa phương và Trung ương, cả trong lẫn ngoài nước, coi trọng và đẩy nhanh hơn nữa xã hội hóa các lĩnh vực; khai thác tốt nguồn lực trong nhân dân thông qua phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”...
Bình Thuận sẽ dồn sức cho các khâu đột phá: đẩy mạnh cải cách hành chính; huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; tập trung trước hết nước, điện, giao thông; triển khai các biện pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và làm thật tốt công tác cán bộ. Đồng thời, tỉnh thúc đẩy ứng dụng tốt tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh và quản lý.
Ngoài ra, Bình Thuận sẽ đẩy nhanh triển khai, tiến độ thi công và giải phóng mặt bằng để triển khai các công trình trọng điểm, các dự án lớn để tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo như Sân bay Phan Thiết; đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cầu đường Hùng Vương, đường Lê Duẩn, đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú; cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
(*) Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận