Tài chính - Chứng khoán
Bịt “lỗ hổng” đấu giá tài sản công
Nguyễn Lê - 05/04/2024 08:16
Ô tô công, đất công được đấu giá cả gói, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, đó đều là “lỗ hổng” trong đấu giá tài sản công cần phải được bịt lại khi sửa Luật Đấu giá tài sản.
Rất cần có quy định cụ thể hơn nữa để hạn chế việc gom tài sản đấu giá.

Quy định rõ tiền đặt trước với tài sản đặc thù

Nằm trong chương trình được thông qua tại Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội vào tháng 5 tới, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (Dự thảo) đã được hoàn thiện thêm nhiều nội dung.

Lần sửa đổi này, một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra là tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, phòng ngừa từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm, góp phần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công. “Dự thảo đã tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề để đáp ứng yêu cầu này”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết khi gửi báo cáo tới các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách mới đây.

Theo đó, Dự thảo mới nhất quy định rõ về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù. Cụ thể, trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền, thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền, thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Còn trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào băng tần, số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong mỗi băng tần đăng ký mua theo tỷ lệ tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Liên quan đến thời gian đăng ký tham gia đấu giá và thời gian nộp tiền đặt trước, đại biểu Hà Phước Thắng (TP.HCM) dẫn quy định tại Dự thảo, thời gian để cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tham gia đấu giá rất dài, kể từ ngày niêm yết việc đấu giá cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày. Nhưng Dự thảo lại quy định thời gian nộp tiền đặt trước rất ngắn, trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.

Tức là, khi hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá vẫn còn thời gian 2 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá để tiến hành nộp tiền đặt trước. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng người tham gia đấu giá nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, nhưng chưa nộp tiền đặt trước. “Việc này dễ dẫn đến tình trạng thông đồng thỏa thuận hoặc gây nên những hồ sơ ảo”, ông Thắng lo ngại.

Ngăn chặn vi phạm nhưng vẫn tôn trọng thỏa thuận dân sự.

- Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Đối với quy định cấm tham gia đấu giá, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định là: trong trường hợp người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá, dẫn đến quyết định công nhận đấu giá bị hủy từ 2 lần trở lên trong thời hạn 1 đến 2 năm liên tục, thì mới áp dụng quy định về cấm tham gia đấu giá. Điều này vẫn có ý nghĩa trong việc ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tình trạng bỏ cọc, thổi phồng giá trị tài sản, mà có sự mềm mỏng hơn, tôn trọng thỏa thuận dân sự giữa các bên trong hoạt động đấu giá.

Vị đại biểu TP.HCM đề nghị nên quy định người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản cùng thời điểm với thời gian tham gia đấu giá.

Nội dung đáng chú ý khác ở lần sửa đổi này là Dự thảo bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá. Cụ thể, bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

“Đây là những tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng… Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản”, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giải thích.

Khẳng định quy định mới trên rất cần thiết, song đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nếu vi phạm mà chỉ bị cấm tham gia đấu giá trong thời hạn từ 6 tháng là quá ít, cần nâng lên 1 năm trở lên. “Thực tế trong đấu giá biển số xe thời gian qua, có những đối tượng ở Thanh Hóa bỏ cọc, 2-3 tháng sau lại tham gia đấu giá nữa, như trò chơi”, ông Hòa nêu ví dụ và cho rằng, chế tài phải đủ sức răn đe.

Vẫn liên quan đến hành vi bị cấm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị bổ sung  2 hành vi. Thứ nhất là gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá. Thứ hai là nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ 3 để thực hiện.

Vẫn còn quy định hạn chế cá nhân tham gia đấu giá

Quan tâm đến quyền của người tham gia đấu giá, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) dẫn quy định tại Dự thảo cấm cá nhân, tổ chức đấu giá không đúng quy định của pháp luật, đồng thời cấm đối với hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia cuộc đấu giá.

Nhưng, hai quy định này, theo ông Giang, là chưa đủ để khắc phục tình trạng nhiều tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá như quyền sử dụng đất, đấu giá đối với thanh lý tài sản công của Nhà nước, có vi phạm trong thực hiện nhưng không thể xử lý được.

Chẳng hạn, với việc thanh lý tài sản công như đối với xe ô tô, thực tế hiện nay, ô tô hết thời hạn sử dụng mang ra bán thanh lý, các cơ quan thường gom khoảng 10 - 20 chiếc hoàn toàn có công năng sử dụng riêng lẻ để bán thành một lô. “Như vậy, có thể vi phạm điều cấm là hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc tham gia đấu giá”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích.

Tương tự, theo đại biểu Giang, quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở cho phép phân lô bán nền trong một số trường hợp, nhưng các địa phương triển khai nội dung này rất khác nhau. Có những địa phương khi phân lô bán nền với hạ tầng đã đầy đủ lại gom vào bán có khi là 10, 20 lô cùng một lúc. Như vậy cũng đang hạn chế đối với sự tham gia của tổ chức, cá nhân quan tâm đến tham gia cuộc đấu giá này.

Do đó, đại biểu Giang đề nghị, cần phải quy định cụ thể hơn các điều cấm trong Dự thảo để hạn chế tình trạng nói trên. “Đối với đấu giá tài sản là tài sản công, đối với quyền sử dụng thì cần quan tâm đến quy định cấm việc gom các tài sản có công năng sử dụng độc lập thành một lô để hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc đấu giá”, ông Giang nêu quan điểm.

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Đầu tư, vị đại biểu Đắk Nông dẫn thông tin trên báo chí cho biết, hàng trăm lô đất tại các huyện Gia Lâm, Mê Linh (Hà Nội) sẽ được đấu giá thời gian tới. Có khu đất nhà đầu tư phải đặt cọc trên 100 tỷ đồng mới được tham gia. “Như thế, lần sửa luật này rất cần có quy định cụ thể hơn nữa để hạn chế việc gom tài sản đấu giá, gây khó khăn cho người quan tâm đến việc đấu giá”, ông Giang nói.

Tin liên quan
Tin khác