Sức khỏe doanh nghiệp
Biwase dễ “ngợp” với tiền huy động
Chí Tín - 18/06/2020 08:23
Việc dồn 2 đợt phát hành cổ phiếu huy động vốn thành 1 đợt đặt Công ty cổ phần Nước Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE, sàn HoSE) trước áp lực “ngợp” nguồn tiền.
.

Tăng tốc huy động vốn

Theo kế hoạch đưa ra trước đây, Biwase dự kiến thực hiện phát hành cổ phiếu huy động vốn thành 2 đợt, với đợt 1 huy động 15 triệu cổ phiếu và đợt 2 huy động tiếp 22,5 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, công ty này đã có điều chỉnh dồn 2 đợt phát hành làm 1 đợt, với tổng lượng cổ phiếu huy động là 37,5 triệu cổ phiếu.

Giải thích lý do khiến Biwase tỏ ra tin tưởng vào kết quả huy động thành công dù chỉ thực hiện 1 đợt phát hành, công ty ngành nước này cho rằng, Việt Nam đã kiểm soát tốt Covid-19, thị trường chứng khoán sau những biến động tiêu cực trong quý I đã phục hồi trong quý II.

Theo kế hoạch sau điều chỉnh, Biwase thực hiện đợt phát hành thông qua đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Tùy thuộc vào kết quả của đợt phát hành, Biwase sẽ sử dụng vốn vào các mục đích theo thứ tự ưu tiên như sau: dùng 100 tỷ đồng thanh toán đợt 1 tiền gốc trái phiếu năm 2018; hơn 109,4 tỷ đồng bù đắp vốn đối ứng cho 2 hạng mục thuộc Dự án đầu tư cấp nước Khu liên hợp Bình Dương; hơn 85 tỷ đồng dự kiến chuẩn bị vốn đối ứng cho Dự án đầu tư xây dựng lò đốt rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.

Biwase cũng sẽ dành hơn 112 tỷ đồng chuẩn bị vốn đối ứng cho Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân compost công suất 840 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương; hơn 65,5 tỷ đồng bù đắp vốn đối ứng đã chi trả theo cam kết góp vốn thêm vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa.

Hai khoản cuối cùng là 175 tỷ đồng bù đắp vốn đối ứng đã thanh toán (đợt 1 và 2) tiền đất để xây dựng trụ sở mới của Công ty và cho thuê kinh doanh tại Thành phố mới Bình Dương và gần 117 tỷ đồng dành cho thanh toán tiền đất (đợt 3 và 4) xây dựng trụ sở mới của Công ty và cho thuê tại Thành phố mới Bình Dương.

Áp lực “bội thực” vốn

Nếu đợt phát hành được thực hiện thành công và số cổ phiếu chào bán được nhà đầu tư mua hết, vốn điều lệ của Biwase sẽ tăng từ 1.500 tỷ đồng hiện nay lên mức 1.875 tỷ đồng. Trong phương án phát hành, số tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành có thể đạt hơn 814 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Công ty tăng từ mức 2.238 tỷ đồng hiện nay lên trên 3.000 tỷ đồng.

Việc Biwase có nguồn lực tài chính mạnh để thực hiện các kế hoạch đầu tư là phù hợp với nhu cầu phát triển chung, nhưng những dự án lớn thường phải có “khoảng trễ” từ khi đầu tư đến khi đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thể giải quyết được bài toán pha loãng khi đẩy được lợi nhuận ngắn hạn tăng ít nhất bằng tốc độ tăng thêm của vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu sau phát hành (lần lượt là 25% và 36,4%, nếu đợt phát hành được thực hiện theo đúng lộ trình và số cổ phiếu dự kiến).

Thực chất, Biwase đã có sự chuẩn bị tốt về kinh doanh, với doanh thu thuần quý I/2020 đạt 733 tỷ đồng, tăng hơn 49% và lợi nhuận sau thuế đạt 131,7 tỷ đồng, tăng gần 27%. Nếu tiếp tục duy trì được nhịp độ kinh doanh này trong các quý còn lại của năm 2020 và các năm tiếp theo, thì Biwase có thể tạm bù đắp được sự pha loãng sau phát hành.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố đáng chú ý là lợi nhuận quý I/2020 của Biwase không chỉ hoàn toàn đến từ sự tăng tốc các hoạt động kinh doanh thông thường, mà còn có sự đóng góp của một khoản chi phí khác được cắt giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí khác quý I/2019 là 27 tỷ đồng (do phải xử lý các chi phí tổn thất từ chênh lệch khi cổ phần hóa), nhưng quý I/2020 chỉ là 6,86 tỷ đồng (giảm 74,6%).

Với bối cảnh trên, trong các quý tiếp theo và năm 2020, các khoản chênh lệch chi phí khác sẽ không còn. Theo đó, việc Biwase tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng lợi nhuận như quý I/2020 để bù đắp sự pha loãng lợi nhuận sau phát hành hay không vẫn là ẩn số với nhà đầu tư.

Nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao

Giải thích về sự tăng tốc doanh thu, ông Trần Chiến Công, Tổng giám đốc Biwase cho biết trong văn bản giải trình rằng, trong quý I/2020, Công ty đã đấu nối thêm được nhiều khách hàng sử dụng nước, tăng 5,16% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng lên, nên việc thu gom rác thải tại các địa phương tăng cao và khối lượng rác thải xử lý cũng tăng đáng kể so với năm trước.
Tin liên quan
Tin khác