Biwase liên tục thâu tóm doanh nghiệp cấp nước
Biwase (mã BWE) thông qua kế hoạch đầu tư mua cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An, tỷ lệ sở hữu dự kiến từ 20% đến 100% vốn điều lệ. Nếu việc thâu tóm thuận lợi, Biwase có thể gián tiếp sở hữu thêm thị trường cấp nước tại Long An.
Theo tìm hiểu, DNP Long An hoạt động trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước. Công ty có vốn điều lệ trên 786 tỷ đồng, sở hữu Nhà máy nước Nhị Thành có công suất thiết kế 60.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho một số huyện thuộc tỉnh Long An. Công ty nằm trong hệ sinh thái của DNP Holding, với tỷ lệ lợi ích tại ngày 31/12/2022 là 44,06%.
Ở một diễn biến khác, tháng 4/2022, Biwase công bố mua lại cổ phần của các công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ và Cấp nước Cần Thơ 2. Nhân sự cấp cao của Biwase đã tham gia việc điều hành tại 2 công ty này. Tính tới cuối năm 2022, với giá trị đầu tư 303,26 tỷ đồng, Biwase sở hữu 24,64% vốn tại Cấp thoát nước Cần Thơ và 48,86% vốn tại Cấp nước Cần Thơ 2, ghi nhận là đầu tư vào công ty liên kết.
Ngoài việc đầu tư vào các công ty nước địa phương tại Đồng Nai, Cần Thơ, Biwase cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bến Tre... Như vậy, xuất phát từ việc cấp nước ở Bình Dương, Biwase liên tục thâu tóm các công ty ở nhiều địa phương, với tham vọng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực cấp nước ở khu vực phía Nam.
Nước Thủ Dầu Một quay lại trở thành cổ đông lớn nhất của Biwase
Nước Thủ Dầu Một (mã TDM) được thành lập năm 2013, với ngành nghề chính là kinh doanh nước sạch, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Tính tới ngày 12/1/2016, cơ cấu cổ đông của Nước Thủ Dầu Một gồm 4 cổ đông lớn là Công ty TNHH một thành viên cấp nước - Môi trường Bình Dương (hiện là Biwase) sở hữu 26% vốn điều lệ, Công ty TNHH Thương mại N.T.P sở hữu 15%; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật D&B sở hữu 15%; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quỳnh Phúc sở hữu 22%, còn lại 22% vốn điều lệ thuộc nhóm cổ đông khác.
“Gió đổi chiều” khi trước cổ phần hóa năm 2016, Biwase bất ngờ thoái toàn bộ vốn tại Nước Thủ Dầu Một và sau cổ phần hóa, Nước Thủ Dầu Một quay trở lại thành cổ đông chiến lược của Biwase. Câu chuyện này đặt ra nhiều câu hỏi về việc doanh nghiệp nhà nước bị thâu tóm ngược khi chính mình tạo ra công ty đó, hỗ trợ công ty đó phát triển và lớn mạnh.
Thêm nữa, dù việc IPO Biwase thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư, nhưng Nước Thủ Dầu Một chỉ phải trả một cái giá thấp hơn 7,3% so với giá đấu IPO (giá IPO trung bình là 14.277 đồng/cổ phiếu) để trở thành cổ đông chiến lược của Biwase.
Sau cổ phần hóa, tính tới ngày 8/6/2017, cơ cấu cổ đông của Biwase có sự thay đổi khi Becamex (mã BCM) sở hữu 51% vốn điều lệ, Nước Thủ Dầu Một sở hữu 35% vốn điều lệ và còn lại 14% thuộc về nhóm cổ đông khác. Tới cuối năm 2022, Nước Thủ Dầu Một trở thành cổ đông lớn nhất của Biwase khi sở hữu 37,42% vốn điều lệ, tiếp theo là Becamex sở hữu 19,44% vốn điều lệ, Ecorbit sở hữu 6,22% vốn điều lệ và còn lại 36,92% vốn điều lệ thuộc về cổ đông nhỏ.
Như vậy, từ chỗ là công ty được góp vốn bởi Biwase, Nước Thủ Dầu Một từng bước quay trở lại thâu tóm và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty từng là cổ đông sáng lập nên mình. Điểm đáng lưu ý, thời điểm Nước Thủ Dầu Một trở thành cổ đông chiến lược, Biwase có vốn điều lệ gấp 4,3 lần; tổng tài sản gấp 6 lần và công suất nhà máy nước gấp 1,5 lần (chưa bao gồm công suất xử lý rác thải) so với Nước Thủ Dầu Một.
Trở lại với câu chuyện thâu tóm trong lĩnh vực cấp nước của Biwase, có thể thấy, đứng sau Biwase chính là Nước Thủ Dầu Một, tham vọng của Biwase đồng thời là tham vọng của Nước Thủ Dầu Một để thống lĩnh thị phần cấp nước khu vực các tỉnh phía Nam. Biwase là cánh tay nối dài để Nước Thủ Dầu Một thực hiện tham vọng thâu tóm doanh nghiệp cấp nước của mình.